Phát hiện sớm và quản lý bệnh hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại cộng đồng

Xã hội - Ngày đăng : 10:25, 26/11/2018

(BKTO)- Hen và bệnh phối tắc nghẽn mạn tính (COPD) đang là các bệnh hô hấp mạn tính đứng hàng đầu trong mô hình bệnh tật và đang là gánh nặng cho y tế và xã hội. Là một trong những nước có có tỷ lệ mắc, tử vong, chịu gánh nặng bệnh tật do Hen và COPD cao nhất trên thế giới nhưng hiện nay ở Việt Nam, rất nhiều bệnh nhân không điều trị dự phòng kiểm soát hen mà chỉ tập trung điều trị đợt cấp khiến chi phí điều trị cao và có thể gây lên những biến chứng.


Khoảng trống trong kiểm soát bệnh

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có 4,1% dân số bị mắc bệnh hen suyễn, nhưng chỉ có 29,1% trong số đó được điều trị bằng liệu pháp dự phòng hen suyễn. Trong khi đó, tỷ lệ mắc COPD khoảng 4,2% dân số trên 40 tuổi và 37,5% người mắc COPD trưởng thành được ghi nhận có triệu chứng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến công việc và hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Hen phế quản và COPD gây ra những gánh nặng to lớn cho bệnh nhân. Không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày bởi những bất an cũng như những lo lắng về đợt kịch phát mà hen phế quản và COPD không được kiểm soát còn có thể gây ra tử vong, tàn phế, hay các chi phí lớn khi nhập viện. Diễn biến cơn hen rất khó lường, bệnh nhân hen nhẹ cũng có khi lên cơn rất nặng dễ tử vong hay hôn mê kéo dài nếu không cấp cứu kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh hen và COPD có thể được kiểm soát trên hầu hết bệnh nhân nếu họ sử dụng thuốc dự phòng hàng ngày theo đúng y lệnh của thầy thuốc và biết cách phòng tránh các yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen như khói thuốc lá, bụi, phấn hoa, nấm mốc... So với điều trị cắt cơn và phòng tránh các yếu tố nguy cơ thì điều trị dự phòng chính là chìa khóa giúp bệnh ổn định, hạn chế tái phát các đợt cấp, giảm thiểu những ảnh hưởng và biến chứng của hen phế quản và COPD gây ra. Chi phí trực tiếp để điều trị dự phòng duy trì ở bệnh nhân mắc hen và COPD giai đoạn ổn định trong một năm chỉ mất tối đa 10% so với chi phí cần chi trả cho bệnh nhân phải điều trị đợt cấp.
                
   

Kiểm tra tình trạng bệnh cho bệnh nhân hen- Ảnh: ST

   
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người bệnh còn có cách nghĩ đơn giản về bệnh và trị bệnh. Trong khi đó, hiện nay các bác sỹ đa khoa, bác sỹ gia đình- lực lượng chủ yếu đang thực hiện các dịch vụ chăm sóc người bệnh nhìn chung còn thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, thiếu điều kiện cần thiết (thời gian, không gian, phương tiện) để thực hiện công việc tư vấn giáo dục và kiểm tra tuân thủ điều trị của người bệnh.

Tăng cường năng lực của hệ thống y tế trong phòng và kiểm soát hen, COPD

Nhận thức được hiệu quả và tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và quản lý bệnh Hen và COPD tại cộng đồng, từ năm 2015, việc phòng, kiểm soát hen và COPD đã được đưa vào Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm 2015- 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thể hiện sự cam kết, ưu tiên của Chính phủ, ngành y tế trong lĩnh vực này. Mục tiêu của Chiến lược là nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh, tăng tỷ lệ người bệnh được phát hiện sớm, được điều trị, tăng tỷ lệ bệnh nhân được kiểm soát hen và COPD theo hướng dẫn, tăng cường năng lực của hệ thống y tế để thực hiện nhiệm vụ phòng, kiểm soát hen và COPD.

Cũng nhằm nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và COPD, từ năm 2017, Tập đoàn AstraZeneca phối hợp cùng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các Hội chuyên ngành triển khai thực hiện Chương trình “Vì lá phổi khỏe” với giá trị đầu tư là 1 triệu USD trong hơn ba năm.

Chương trình hướng đến ba mục tiêu chính, đó là: Phối hợp cùng các đối tác ngành y tế tại Việt Nam nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và COPD, đồng thời nâng cao nhận thức đúng của cộng đồng về các căn bệnh này. Thông qua tài trợ tổ chức các câu lạc bộ bệnh nhân và các hoạt động khám tầm soát, chương trình hỗ trợ gia tăng nhận thức đúng về bệnh trong cộng đồng, hỗ trợ giáo dục bệnh nhân hen và COPD về các triệu chứng, cải thiện chẩn đoán, điều trị sớm và tuân thủ điều trị để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.

Bên cạnh đó, với việc tài trợ thành lập 150 phòng quản lý Hen và COPD ngoại trú với cơ sở hạ tầng đạt chuẩn trên cả nước, chương trình hướng đến cải thiện chất lượng các đơn vị quản lý ngoại trú bệnh Hen và COPD. Các đơn vị này sẽ được hỗ trợ năng lực chuyên sâu về khám, chữa và quản lý bệnh Hen và COPD ngoại trú, tăng khả năng tiếp cận đến thuốc tốt và điều trị tốt cho bệnh nhân.

Đồng thời, thông qua phối hợp cùng các đối tác để tổ chức các buổi đào tạo y khoa liên tục (CME), hội nghị chuyên khoa và cung cấp các tài liệu cập nhật các thông tin y khoa, chương trình sẽ nâng cao năng lực (chẩn đoán, điều trị và quản lý) cho cán bộ y tế tuyến cơ sở (tỉnh thành, quận, huyện) trên cả nước nhằm quản lý tốt bệnh Hen và COPD. Mục tiêu là 80% cán bộ y tế chuyên trách ở các đơn vị được thành lập sẽ được đào tạo và cấp chứng chỉ quản lý Hen và COPD.

Bộ Y tế cũng đã ban hành tiêu chí “Đơn vị quản lý hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” áp dụng thí điểm trong Chương trình Vì lá phổi khỏe tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020. Theo đó, đơn vị quản lý hen và COPD có chức năng khám, chữa bệnh ngoại trú có nhiệm vụ dự phòng, nâng cao sức khỏe, thực hiện truyền thông giáo dục sức khỏe về phòng, kiểm soát hen và COPD; thực hiện can thiệp giảm các yếu tố nguy cơ; thiết lập, duy trì các câu lạc bộ hen và COPD….

Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, việc thiết lập các đơn vị quản lý hen và COPD thống nhất, chuẩn hóa mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước sẽ tạo điều kiện cho bệnh nhân tăng cường tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng, giúp giảm biến chứng, tăng cường chất lượng sống, giảm chi phí.

Ngoài ra, trong năm 2018 Dự án Phòng, chống hen và COPD thuộc Chương trình mục tiêu Y tế- Dân số cũng triển khai các lớp đào tạo tập huấn về chẩn đoán điều trị hen phế quản, COPD. Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COPD năm 2018. Đây là tài liệu hướng dẫn chuyên môn, là cơ sở pháp lý để xây dựng phác đồ điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc, đồng thời là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ y tế và những nội dung liên quan khác.

NGUYÊN AN