Quản lý triển lãm nghệ thuật nhìn từ vụ tranh giả: Còn quá lỏng lẻo

Xã hội - Ngày đăng : 16:15, 28/07/2016

(BKTO)- Câu chuyện hàng chục bức tranh nổi tiếng triển lãm tại Bảotàng Mỹ thuật TP. HCM được xác định là hàng giả thời gian gần đây đã khiến giớisưu tầm mỹ thuật, công chúng quan tâm không khỏi bức xúc. Vụ việc vừa qua chothấy, vấn đề quản lý triển lãm nghệ thuật hiện còn quá nhiều lỗ hổng pháp lý cầnsớm được khắc phục.



Họa sỹ Thành Chương bên bức tranh của ông bị làm giả tên người khác được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM.Ảnh: BẢO NGÂN
Thiếu hành lang pháp lý

Vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” của nhà sưu tập tranh Vũ Xuân Chung. Tuy nhiên, khi triển lãm được diễn ra ít ngày, giới họa sỹ, phê bình, nghiên cứu tranh đã phát hiện ra những bất thường của tranh tại triển lãm. Ngay lập tức, một cuộc họp thẩm định tranh do Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM chủ trì, với sự góp mặt của các nhà phê bình, nghiên cứu, giới chuyên môn mỹ thuật đã được diễn ra. Kết quả cho thấy: toàn bộ 17 bức tranh đang triển lãm tại Bảo tàng không phải là bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện (tức tranh giả), hoặc mạo danh chữ ký tác giả (họa sỹ Tạ Tỵ và họa sỹ Sỹ Ngọc). Trước sự cố này, Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM đã lên tiếng nhận trách nhiệm khi để triển lãm tranh giả, do chưa thẩm định tính xác thực. Hiện toàn bộ số tranh của triển lãm đã được cơ quan chức năng tạm giữ để điều tra làm rõ.

Một sự việc cụ thể nhưng qua đó nhiều người thấy rõ hơn những bất cập vốn tồn tại nhiều năm nay trong lĩnh vực triển lãm nghệ thuật nói chung. Điển hình là sự thiếu chuyên nghiệp, nghiệp vụ kém và thiếu trách nhiệm trong công tác thẩm định tranh triển lãm. “Quy chế hoạt động triển lãm mỹ thuật và gallery” hiện hành cũng thiếu vắng một đề mục hết sức quan trọng, đó là giám định thật giả cho tác phẩm mỹ thuật. Vì vậy, khi có chuyện xảy ra, các hội đồng giám định cũng được thành lập một cách tùy hứng. Nghĩa là lúc lập, lúc không mà không phải là khâu bắt buộc. Chưa kể, việc quản lý các triển lãm văn hóa, nghệ thuật hiện nay còn lỏng lẻo. Rất ít địa phương thực hiện được việc thống kê số liệu, kiểm tra, kiểm soát nội dung các triển lãm văn hóa, nghệ thuật được tổ chức tại địa phương. Nhiều trường hợp triển lãm được tổ chức vào thời điểm không phù hợp dẫn đến những phản ứng tiêu cực trong dư luận xã hội...

Thực trạng hoạt động triển lãm thời gian qua cho thấy, những quy định quản lý hoạt động triển lãm ban hành trước đây mới chỉ dừng lại ở phạm vi mỹ thuật, nhiếp ảnh chứ chưa bao quát được toàn bộ hoạt động triển lãm đa dạng khác. Vì vậy, nếu không sớm bổ sung quy định thì việc tổ chức và quản lý hoạt động triển lãm sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Sớm khắc phục kẽ hở pháp lý

Để khắc phục những bất cập trên, hiện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đang công bố lấy ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể thao. Theo Bộ VH-TT&DL, các triển lãm văn hóa, nghệ thuật, du lịch diễn ra thường xuyên và đang có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức.

Nếu như năm 2013 cả nước có 499 cuộc triển lãm thì năm 2014 con số này là 589 cuộc và năm 2015 có 594 cuộc. Bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động triển lãm đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt khi hành lang pháp lý quản lý còn nhiều khoảng trống. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị, dự thảo Nghị định cần làm rõ quy mô, đặc thù, thẩm quyền cấp phép cho các cuộc triển lãm.Đơn cử, nếu như 3 địa phương kết hợp tổ chức triển lãm lần lượt tại từng điểm thì Bộ VH-TT&DL hay địa phương cấp phép? Đối với các cá nhân triển lãm tranh mua từ nước ngoài, quy trình cấp phép, thẩm định nội dung ra sao?

Thực tế hiện nay các mô hình triển lãm rất đa dạng. Đối tượng tổ chức, tham gia hoạt động triển lãm cũng không chỉ là các cơ quan nhà nước mà có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không ít triển lãm chưa thực sự đạt yêu cầu, thậm chí là chất lượng thấp gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đứng ra nhận triển lãm - vốn là các bảo tàng trực thuộc Nhà nước. Vấn đề đặt ra là cần phải có quy định cụ thể về quản lý, cơ chế kiểm duyệt, phối hợp, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức triển lãm. Đặc biệt là các triển lãm đại diện cho quốc gia Việt Nam phải do các cơ quan, tổ chức đủ năng lực, điều kiện tổ chức và phải thực hiện nghiêm túc, có thẩm định nội dung triển lãm chặt chẽ. Chỉ khi nào những kẽ hở pháp lý được khắc phục, công chúng mới bớt phải chứng kiến những tiêu cực, bức xúc không đáng có trong triển lãm nghệ thuật như vừa qua.

NGUYỄN LỘC