Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách

Đối nội - Ngày đăng : 21:05, 29/10/2018

(BKTO) - Chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng tài chính- NSNN như: thu thiếu bền vững, nợ đọng thuế gia tăng, chi thường xuyên còn lớn... nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, giảm chi thường xuyên... Đặc biệt, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) đề nghị Chính phủ cần đổi mới công tác lập dự toán NSNN, đồng thời đánh giá hiệu quả thực hiện quy định chính sách tự kê khai tự nộp thuế của DN và công tác hậu kiểm của cơ quan thuế.


                
   

Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu thảo luận tại hôi trường chiều 27/10- Ảnh: quochoi.vn

   

Quản lý ngân sách theo kết quả đầu ra

Tập trung đánh giá những chỉ tiêu chủ yếu trong thực hiện kế hoạch tài chính, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phân tích: Qua 3 năm thực hiện, tổng thu NSNN ước đạt 3.750 nghìn tỷ, bằng 54,68% kế hoạch. Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính quốc gia trong 2 năm tới, tổng thu NSNN phải đạt khoảng 3.110 nghìn tỷ đồng, tương đương với 45,32% kế hoạch. Dự kiến thu NSNN năm 2019 là 1.411 nghìn tỷ đồng. Số thu còn lại cho năm 2020 phải thực hiện khoảng 1.699 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 20,4% so với năm 2019 là rất khó đạt được để hoàn thành kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thu từ thuế, phí/GDP cũng khó đạt được khi 3 năm qua tỷ lệ này đang giảm dần theo các năm. Cụ thể, năm 2016 đạt 20,4%; năm 2017 đạt 20,2% và năm 2018 ước đạt 20,7% và dự kiến của năm 2019 đạt 20% (mục tiêu là 21%).

Đại biểu Tiến đề nghị cần làm rõ nguyên nhân tỷ lệ thu từ thuế, phí/GDP trong 3 năm qua không đạt chỉ tiêu, đồng thời cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu và nợ thuế; nghiên cứu một số chính sách về thuế cho phù hợp với thực tiễn nhằm tăng nguồn thu từ thuế, phí để chỉ tiêu này có thể đạt được vào năm 2020. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ rõ nguyên nhân tỷ trọng thu nội địa trên tổng thu NSNN trong 3 năm qua đạt thấp và có những giải pháp gì trong 2 năm tới để phấn đấu tiếp cận với chỉ tiêu này vào năm 2020.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) thì cho rằng, có nhiều nghịch lý đã và đang đặt ra khiến cho NSNN khó bền vững. Tốc độ tăng chi cân đối NSNN trung bình lớn hơn tốc độ tăng thu cân đối NSNN trung bình; tốc độ tăng chi thường xuyên cao hơn thu thường xuyên; chi thường xuyên tăng trong lúc chi đầu tư giảm. Do vậy Chính phủ cần làm rõ những tồn tại chính trong cân đối thu- chi NSNN, làm rõ nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách.

“Chúng ta đã sử dụng ngân sách một cách lãng phí. Lãng phí do tư duy coi ngân sách là tiền chùa. Lãng phí do chi sai mục đích, chi để phục vụ bệnh thành tích hoặc bệnh hình thức. Cách đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách hiện nay đang có vấn đề, chủ yếu đánh giá dựa trên tỷ lệ giải ngân và khi cần tiết kiệm thì thực ra chỉ là cắt giảm hoạt động một cách cơ học. Trong khi lẽ ra hiệu quả đầu tư phải được đánh giá qua sản phẩm thu được từ tiền ngân sách như thế nào”- đại biểu Hoa bày tỏ quan điểm và đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết chống lãng phí và xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, các địa phương trong quản lý ngân sách và đẩy nhanh tiến độ giao tự chủ gắn trách nhiệm giải trình, khoán chi gắn với cơ chế thanh tra, giám sát chặt chẽ.

Cần đánh giá hiệu quả công tác hậu kiểm của cơ quan thuế

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện kế hoạch tài chính vẫn còn khó khăn, bất cập, bội chi ngân sách, nợ công giảm nhưng nợ Chính phủ còn cao; thu ngân sách chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách chủ yếu từ dầu thô, từ đất, thu từ các DN đạt thấp; tình trạng thất thu, trốn, nợ thuế còn tăng. Đặc biệt, theo đại biểu công tác lập dự toán còn có điểm chưa sát với thực tế. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá thực tiễn, đổi mới công tác xây dựng dự toán phù hợp với thực tế và có hiệu quả để đạt được mục tiêu tài chính kế hoạch 5 năm đã đề ra.

Đại biểu Đỗ Thị Lan cũng đề nghị, thời gian tới, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ khắc phục tình trạng thất thu thu, nợ đọng thuế, phát triển nguồn thu NSNN. Đại biểu dẫn chứng: Theo báo cáo của KTNN, tại thời điểm tháng 8/2018 nợ thuế tăng 13,3% so với thời điểm tháng 12.2017. Thu từ DN của cả 3 loại hình DN đều thấp, không đạt được dự toán. Điều đó cho thấy DN dừng hoạt động, DN sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả còn lớn, một bộ phận DN chấp hành về pháp luật thuế chưa nghiêm. Do vậy, cần có sự đồng hành của các cấp, các ngành, với các DN để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, thúc đẩy DN hoạt động thực sự có hiệu quả.

“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo, đánh giá hiệu quả thực hiện chính sách tự kê khai, tự nộp thuế của DN và hậu kiểm của cơ quan thuế, đồng thời yêu cầu các DN thực hiện nghiêm các quy định và có chế tài xử phạt đối với những DN trốn nợ thuế”- đại biểu Lan nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng đề nghị, Chính phủ cần kiên quyết thu hồi những khoản kinh phí phân bổ sai mục đích, sai đối tượng, không giải ngân được những khoản chi bị thanh tra, KTNN yêu cầu thu hồi hoặc xử lý giảm chi; tăng cường kỷ luật ngân sách, quyết định dự toán NSNN và phân bổ ngân sách trung ương; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật thu- chi, có sai phạm trong thực hiện và quản lý ngân sách...

NGUYỄN HỒNG