Đánh giá rủi ro kiểm toán dựa theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế: Những kinh nghiệm quốc tế quan trọng và ý nghĩa

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:00, 17/11/2016

(BKTO) - Trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm toán, các cơ quan KTNN Việt Nam, Lào, Campuchia đều nhận định việc xem xét, đánh giá đối tượng kiểm toán, phân tích tình hình để xác định rủi ro trước khi xây dựng Kế hoạch kiểm toán là những khâu rất quan trọng trong quá trình nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán. Trong đó, phương pháp đánh giá rủi ro kiểm toán dựa theo Chuẩn mực kiểm toán quốc tế đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả 3 cơ quan KTNN.



Xác định rủi ro trước khi xây dựng Kế hoạch kiểm toán là khâu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán Ảnh: TT
Lấy Chuẩn mực kiểm toán quốc tế làm cơ sở

Sau khi Hệ thống các Chuẩn mực kiểm toán của các Cơ quan Kiểm toán tối cao (ISSAIs) được thông qua năm 2010, KTNN Campuchia đã từng bước hoàn thiện hệ thống Chuẩn mực KTNN theo ISSAIs. Việc lựa chọn thực hiện theo ISSAIs đã giúp cho KTNN Campuchia thực hiện phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán Báo cáo tài chính từ đầu năm 2012 đến nay.

Đại diện của KTNN Campuchia chia sẻ, trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm toán, nhiều đoàn kiểm toán đã sử dụng biện pháp đánh giá dựa trên rủi ro. Khi thực hiện theo ISSAI 1315 - Quy định và đánh giá rủi ro sai sót của đoàn kiểm toán, các lỗi cơ bản đã được quy định trong danh sách đánh giá rủi ro và mức độ rủi ro, cũng như mức cảnh cáo, xử phạt đối với các lỗi cơ bản này. Để xác định rủi ro, Kế hoạch kiểm toán chi tiết sẽ xác định mục tiêu mong muốn và cung cấp tài liệu liên quan kèm theo Kế hoạch kiểm toán để kiểm toán viên (KTV) thực hiện. Trong quá trình sắp xếp kế hoạch theo ISSAI 1330 - Sắp xếp kế hoạch và thực hiện kiểm toán, tổ kiểm toán tính toán việc thực hiện để so sánh với những sai số trong Báo cáo tài chính với mức chênh lệch giữa thu và chi trong phạm vi 0,5% đến 2,5%. Trên cơ sở này, tổ kiểm toán sẽ lập danh sách sai ở đâu, quá mức tối thiểu là bao nhiêu. Do đó, Kế hoạch kiểm toán sẽ trở thành kế hoạch chỉ đạo đối với tổ kiểm toán. Khi thực hiện kiểm toán, tổ kiểm toán phải thực hiện một cách chi tiết, tập hợp chứng cứ đầy đủ, tin cậy và phù hợp.

Đồng quan điểm việc xác định, đánh giá và thiết kế các thủ tục để xử lý rủi ro phải được thực hiện trong suốt quá trình kiểm toán theo ISSAIs, đại diện KTNN Việt Nam cho rằng, hệ thống chuẩn mực KTNN tuân thủ ISSAIs được ban hành là kim chỉ nam cho hoạt động của KTNN Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực của KTNN theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Trong đó, phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu được đề cập tại Chuẩn mực KTNN 1315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính; Chuẩn mực KTNN 1320 - Xác định và vận dụng trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính; Chuẩn mực KTNN 1330 - Biện pháp xử lý rủi ro kiểm toán trong kiểm toán tài chính.

Hiện tại, KTNN Việt Nam đã lập kế hoạch xây dựng các tài liệu hướng dẫn kiểm toán theo hướng chọn lọc ưu tiên những lĩnh vực thật sự cần thiết, tập trung vào việc xây dựng hướng dẫn phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu cho các lĩnh vực kiểm toán, đặc biệt ưu tiên 2 lĩnh vực kiểm toán Báo cáo tài chính DN và kiểm toán Báo cáo quyết toán dự án đầu tư. Qua đó, tiến tới xây dựng hướng dẫn cho cả kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách để khắc phục những tồn tại trong việc đưa ra ý kiến xác nhận tính đúng đắn, trung thực trong kiểm toán Báo cáo tài chính. Đồng thời, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy trình kiểm toán phù hợp với chuẩn mực và phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu.

Chú trọng xác định, đánh giá các rủi ro

Tổng kết tình hình chung của đánh giá rủi ro, cơ quan KTNN Lào đúc rút: Đối với lĩnh vực NSNN, rủi ro thường là chi vượt dự toán ngân sách Quốc hội đã thông qua. Đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, rủi ro thường được xác định trong các nội dung cung cấp tín dụng cho khách hàng không đúng mục đích, đối tượng; tính thuế thu nhập nộp vào NSNN chưa đủ, còn tồn đọng thuế thu nhập chưa nộp vào ngân sách. Đối với khu vực quốc doanh, rủi ro thường thấy là một số đơn vị quốc doanh không có sổ ghi chép tài chính - kế toán đầy đủ; việc đấu thầu mua - bán không được tổ chức đúng quy định. Đối với các dự án vốn vay và vốn viện trợ không hoàn lại, rủi ro được phát hiện nhiều trong việc chi trả tiền điều hành dự án. Thường là không ghi tài sản của dự án đã mua vào trong danh mục tài sản của dự án và khi kết thúc dự án cũng không tổng hợp tài sản để báo cáo cơ quan chức năng phân bổ lại, chi trả ngoài dự toán quy định…

Đại diện KTNN Campuchia nhấn mạnh, kiểm toán dựa trên rủi ro trong kiểm toán Báo cáo tài chính đòi hỏi KTV phải hiểu biết về chiến lược và tiến trình hoạt động của đối tượng được kiểm toán nhằm đảm bảo Báo cáo tài chính hoàn toàn chính xác. KTV phải có những đánh giá cơ bản về mức độ Báo cáo tài chính và đảm bảo mức độ hiểu biết về đơn vị, bao gồm số lượng công việc, quy trình kiểm soát nội bộ, số lượng KTV dự kiến thực hiện kiểm toán để có thể đánh giá toàn diện và xác định được các rủi ro tiềm tàng.

Theo đại diện KTNN Lào, quy trình đánh giá rủi ro được thực hiện theo các bước sau: Khảo sát, tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán; trao đổi, thu thập thông tin; lập biên bản kiểm toán giữa cơ quan kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; phân tích tình hình. Trong đó, ở khâu khảo sát, tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán, cơ quan kiểm toán cần phải hình thành một bộ hồ sơ mẫu biểu lâu dài đối với các đơn vị đã được kiểm toán hoặc xây dựng mới bộ hồ sơ mẫu biểu đối với đơn vị mới được kiểm toán. Đồng thời, việc trao đổi, liên hệ thu thập thông tin cũng rất quan trọng và nên áp dụng từ khâu chuẩn bị đến khâu tổng kết báo cáo. Việc làm này giúp KTV hiểu về hoạt động của đối tượng kiểm toán, xác định được vấn đề thay đổi của đối tượng và có thể đánh giá được mức độ kiểm soát nội bộ.

Chia sẻ kinh nghiệm sau cuộc kiểm toán thí điểm dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu đầu tiên, KTNN Việt Nam lưu ý: Với đối tượng kiểm toán là DN, việc đánh giá rủi ro phải xuất phát từ việc nhận định rủi ro kinh doanh, đánh giá hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ, phân tích tình hình tài chính, phân tích thông tin từ kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán trước làm cơ sở xác định các nội dung trọng yếu kiểm toán. Trong đó, cần quan tâm đến những nội dung lớn hay xảy ra sai sót từ cuộc kiểm toán trước và các cuộc kiểm toán tương tự cùng loại hình.

HỒNG THOAN