Chống thất thoát tài sản nhà nước khi thực hiện bán đấu giá

Đối nội - Ngày đăng : 09:45, 18/10/2018

(BKTO) - Sau hơn 1 năm đi vào cuộc sống, Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS), có hiệu lực từ ngày 01/7/2017, đã giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị tăng cường quản lý tài sản công khi thực hiện ĐGTS. Tuy nhiên, thực tế cũng bộc lộ những vướng mắc cần khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hoạt động ĐGTS.



Quy trình thẩm định giá trong ĐGTS - Ảnh: Đinh Tuấn
Giảm nguy cơ thất thoáttài sản công

Báo cáo đánh giá của Bộ Tư pháp qua 1 năm triển khai Luật ĐGTS cho thấy, nhiều quy định mới của Luật so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán ĐGTS đã tác động đến nhiều mặt của hoạt động đấu giá, khẳng định tính đúng hướng trong việc phát triển hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp. Trong đó, nhiều quy định đã bắt đầu đi vào thực tiễn, mang lại hiệu ứng tích cực trong xã hội.

Bà Đỗ Hoàng Yến - Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) - cho biết, cá nhân, tổ chức có tài sản đã bắt đầu thực hiện việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS theo các tiêu chí mà Luật quy định, qua đó đã góp phần tạo dựng thị trường đấu giá minh bạch, lành mạnh, hạn chế tình trạng DN “sân sau” trong hoạt động ĐGTS.

Hiện nay, trên phạm vi cả nước có 466 tổ chức ĐGTS, trong đó có 62 trung tâm dịch vụ bán ĐGTS, 404 DN ĐGTS với gần 1,2 nghìn đấu giá viên đã đăng ký hành nghề. Hoạt động của các tổ chức ĐGTS ngày càng chuyên nghiệp; năng lực hành nghề, trách nhiệm của các đấu giá viên được nâng cao hơn trước. Đặc biệt, Luật ĐGTS đã quy định một số hành vi vi phạm của đấu giá viên đồng bộ với quy định của Bộ luật Hình sự, từ đó tạo sự răn đe đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Đáng chú ý, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thông tin về việc ĐGTS công được niêm yết yêu cầu phải thông báo công khai theo quy định của pháp luật về ĐGTS và đăng tải trên Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công hoặc Trang thông tin điện tử về tài sản công. Việc quy định như trên được đánh giá là nhằm hạn chế tối đa sự thiếu minh bạch trong ĐGTS công, dẫn đến tình trạng thông đồng, dìm giá, gây thất thoát tài sản công.

Trong khi đó, GS,TS. Lê Hồng Hạnh - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) - cho rằng, với sự ra đời của Luật ĐGTS, lỗ hổng trong ĐGTS nói chung và tài sản nhà nước nói riêng đã được bịt, song việc thực hiện được hiệu quả công tác này đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức ĐGTS, của các cơ quan, đơn vị có tài sản. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng cường quản lý tài sản công, như: nâng cấp cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng hệ thống giao dịch về tài sản công để thực hiện các giao dịch về tài sản (bán, chuyển nhượng...) bắt buộc phải qua đấu giá hoặc theo chỉ định thì phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Vẫn cần thêm nhữngchế tài mạnh

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Luật ĐGTS trên thực tế còn nhiều hạn chế, khó khăn. Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, một bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài sản bán đấu giá, nhất là cơ quan, tổ chức đại diện bán tài sản của Nhà nước còn chưa quan tâm đúng mức đến quy định mới của Luật. Do đó, việc lựa chọn tổ chức đấu giá theo các tiêu chí mà Luật quy định ở một số nơi còn tùy tiện, dẫn đến việc tổ chức ĐGTS được lựa chọn để thực hiện bán ĐGTS của Nhà nước kém năng lực, thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức bán đấu giá, ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này. Trong khi đó, việc triển khai thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động ĐGTS, chi nhánh của DN ĐGTS còn chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. “Ngoài ra, sự thiếu đồng bộ trong quy định về ĐGTS giữa Luật ĐGTS và các luật chuyên ngành cũng gây khó khăn trong việc triển khai” - bà Yến cho biết.

Theo ông Trần Tất Đạt - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hưng Yên), để áp dụng đồng bộ và có hiệu quả Luật ĐGTS, Bộ Tư pháp phải sớm công bố danh sách các tổ chức đấu giá trong phạm vi cả nước; hướng dẫn thực hiện thống nhất một số quy định trong quy trình tổ chức ĐGTS, như thời gian thông báo việc lựa chọn tổ chức ĐGTS; giao trách nhiệm cho địa phương quy định cụ thể các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS...

Đại diện Sở Tư pháp TP. HCM cho biết, thời gian qua, có nhiều phản ánh về tình trạng bên có tài sản nhà nước cấu kết với tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán đấu giá không đúng trình tự; còn một số hành vi gây hạn chế thông tin trong đấu giá như: thông báo đấu giá không rõ ràng, hạn chế khách hàng đăng ký tham gia đấu giá; không cung cấp hồ sơ...

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện tượng tiêu cực trong ĐGTS vẫn còn khá phổ biến, nhất là trong ĐGTS nhà nước. Để xử lý các hành vi vi phạm trong ĐGTS, Bộ Tư pháp đang tiến hành lấy ý kiến để sửa đổi 2 nghị định về xử phạt trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có quy định về ĐGTS. Theo đó, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động ĐGTS sẽ rất khiêm khắc. “Việc tước cơ hội hành nghề đấu giá viên, thậm chí là khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự sẽ được kiến nghị áp dụng để tăng sức răn đe với những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm” - ông Dũng nhấn mạnh.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 42 ra ngày 18-10-2018