Kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2018): Lan tỏa phong trào đền ơn, đáp nghĩa

Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 30/07/2018

(BKTO) - Thực hiện tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa, tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo. Tuy nhiên, để công tác này tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội, các hình thức tri ân cần phải được đổi mới, mang ý nghĩa thiết thực hơn nữa.


Phát triển rộng khắp phong trào đền ơn, đáp nghĩa

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), cả nước hiện có hơn 9 triệu người có công (trong đó có trên 1,2 triệu liệt sĩ, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 800 nghìn thương binh, 110 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày và gần 320 nghìn người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận… Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn, đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước. Chỉ tính từ năm 2013-2017, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của T.Ư đã vận động được trên 17,8 tỷ đồng, của địa phương vận động được gần 5,2 nghìn tỷ đồng. 63,5 nghìn sổ tiết kiệm đã được trao tặng cho các thương binh, bệnh binh… với tổng kinh phí gần 2,9 nghìn tỷ đồng; xây dựng mới và sửa chữa trên 85 nghìn nhà tình nghĩa trị giá hơn 10,7 nghìn tỷ đồng...

Đoàn cán bộ KTNN thăm và tặng quà tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) - Ảnh: TL

Cùng với cả nước, nhiều năm qua, KTNN luôn dành sự quan tâm chăm sóc và tình cảm cho các cán bộ công chức là thương binh, thân nhân liệt sĩ. Phong trào đền ơn, đáp nghĩa luôn được lãnh đạo KTNN và toàn Ngành hưởng ứng, các tổ chức chính trị - xã hội của KTNN luôn có hoạt động tri ân thiết thực như: tặng quà nhân dịp 27/7 hằng năm cho các thương binh, liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ; tổ chức xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách xã hội... với tổng số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Tạo sự chuyển biến trong thực hiện chính sách

Kết quả trên cho thấy, nhiều chủ trương, chính sách dành cho người có công với cách mạng của Đảng, Nhà nước đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Đặc biệt, hướng đến kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, trên khắp cả nước, nhiều hoạt động tri ân thiết thực, ý nghĩa đang tiếp tục diễn ra.

Một trong những hoạt động tri ân ý nghĩa, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, là sự ra đời của Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ dự kiến khai trương vào đúng dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay. Việc xây dựng Cổng thông tin sẽ tạo điều kiện cho thân nhân liệt sĩ tiếp cận thông tin về liệt sĩ được nhanh chóng, chính xác hơn, qua đó giúp các thân nhân giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân.

Trước đó, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp tổ chức Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018. Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ghi nhận và bày tỏ sự biết ơn những công lao to lớn mà bao thế hệ người có công, các gia đình chính sách đã đóng góp cho đất nước, cho dân tộc, đồng thời đề nghị các cấp, ngành chức năng ưu tiên nguồn lực giải quyết những nhu cầu cấp thiết đối với người có công; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em người có công; tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, kinh doanh của các đồng chí thương, bệnh binh hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình người có công...

Dự Chương trình Nghệ thuật đặc biệt mang tựa đề “Bài ca bất tử” tại tỉnh Hà Tĩnh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tri ân công lao các Anh hùng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc (1968-2018). Thủ tướng khẳng định: “Việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công là bổn phận, trách nhiệm thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và mỗi người chúng ta”.

Có thể thấy, thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, thông điệp ấy đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ truyền đi rất rõ. Do đó, việc đổi mới các hình thức tri ân mang tính thiết thực hơn nữa, trong đó có sự tham gia của các thành phần trong xã hội sẽ góp phần lan tỏa phong trào đền ơn, đáp nghĩa cũng như thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 26/7/2018