Đảm bảo công khai, minh bạch trong quản lý các quỹ ngoài ngân sách

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 14:05, 23/07/2018

(BKTO) - Công tác quản lý các quỹ tài chính ngoài NSNN (gọi chung là Quỹ) thời gian qua được đánh giá là chưa thực sự hiệu quả, thậm chí làm phân tán nguồn lực NSNN. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các quỹ, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của quỹ là yêu cầu cấp thiết được đặt ra lúc này.


Hiệu quả hoạt động thấp

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, cả nước hiện có 26 quỹ tài chính ngoài NSNN do các Bộ, cơ quan T.Ư thành lập hoặc được giao quản lý, chưa kể nguồn quỹ do địa phương quản lý, con số này lên đến hàng trăm loại quỹ. Trong đó, nhiều quỹ có vốn, nguồn thu và nhiệm vụ chi lớn, như: Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, Quỹ Tích lũy trả nợ, Quỹ Bảo trì đường bộ, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam...

Các quỹ này đều có quy định về chế độ quản lý tài chính và hoạt động độc lập tương đối với NSNN. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, các quỹ vẫn tồn tại nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong đó, điển hình là việc nhiều quỹ được thành lập với mục tiêu ngoài ngân sách, nhưng thực tế lại dựa vào nguồn NSNN cấp hằng năm, khiến nguồn lực ngân sách bị phân tán.

Cùng với đó, nhiều quỹ hoạt động trùng với chức năng của NSNN; năng lực quản lý, điều hành quỹ hạn chế, kém hiệu quả. Ngoài ra, cơ chế kiểm soát quỹ còn yếu kém, việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, hiệu quả, chưa phân rõ trách nhiệm quản lý quỹ.

Những bất cập, hạn chế này cũng từng được KTNN chỉ ra khi thực hiện kiểm toán nguồn quỹ tại một số Bộ, ngành. Điển hình như tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan đang quản lý 3 quỹ (Quỹ Bảo trợ trẻ em, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ Khắc phục hậu quả bom mìn). Theo đánh giá của KTNN, việc quản lý quỹ còn nhiều hạn chế như: trích lập quỹ chưa đúng quy định, chưa có hoạt động hỗ trợ phù hợp theo quy định của quỹ...

Trong khi đó, Bộ Tài chính - cơ quan có nhiệm vụ theo dõi tình hình quản lý, sử dụng các quỹ - cũng nhiều lần kêu khó vì không được các cơ quan quản lý quỹ báo cáo kịp thời. Ngay cả các chế độ, chính sách liên quan đến quản lý hoạt động của quỹ cũng không được thực hiện nghiêm.

Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên, theo ThS. Đỗ Quang Minh (Viện Nghiên cứu Lập pháp) là do chưa có một khung pháp lý chung để điều chỉnh việc thành lập, quản lý và sử dụng các quỹ dẫn đến việc vận hành, kiểm tra, kiểm soát và giám sát của các chủ thể gặp khó khăn và trong không ít trường hợp, Nhà nước không kiểm soát được.

Bổ sung khung pháp lý, tăng cường kiểm tra, giám sát…

Thiếu khung pháp lý thống nhất để quản lý quỹ, thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý các quỹ hoạt động kém hiệu quả..., đó là những trở ngại mà theo nhiều chuyên gia cần phải sớm được chấn chỉnh để tạo hành lang pháp lý cho quỹ hoạt động lành mạnh.

Trước đó, nhằm tăng cường quản lý các quỹ tài chính ngoài NSNN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 137/2017/TT-BTC quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm, có hiệu lực từ ngày 10/02/2018. Với Thông tư này, các quỹ trở thành đối tượng phải thực hiện xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm để báo cáo Quốc hội. Điều này đồng nghĩa với việc các quỹ sẽ chịu sự giám sát của toàn dân, chứ không còn là “túi riêng” của các cơ quan như thực tế diễn ra bấy lâu nay.

Bình luận về vấn đề này, GS.TS. Lê Hồng Hạnh - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý - cho rằng, quy định đó là cần thiết nhưng chưa đủ, bởi để hoạt động hiệu quả, các quỹ cần hội tụ 3 yếu tố, đó là cơ sở pháp lý, minh bạch trong hoạt động và phải được kiểm tra, giám sát. “Cả 3 yếu tố này đều chưa được đảm bảo thực thi nên hạn chế trong hoạt động của quỹ vừa qua là tất yếu” - GS. Hạnh cho biết.

Liên quan đến công tác chấn chỉnh những hạn chế trong quản lý quỹ, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điển hình như Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc tăng cường quản lý đối với các quỹ do các Bộ, ngành, địa phương quản lý; đồng thời yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp đánh giá về tình hình tổ chức, hoạt động và kiến nghị giải pháp tăng cường quản lý quỹ... tuy nhiên, đến nay, nhiều hạn chế, bất cập vẫn chưa được khắc phục.

Gần đây, khi làm việc với các Bộ, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã yêu cầu các Bộ, ngành được giao xây dựng các luật quản lý chuyên ngành không được kèm theo quy định về việc thành lập quỹ; đồng thời, các Bộ, ngành cần tăng cường giám sát, công khai, minh bạch nguồn tài chính của các quỹ, xử lý nghiêm vi phạm. Điều quan trọng lúc này là sự vào cuộc một cách nghiêm túc, minh bạch của các cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, để lập lại kỷ cương tài chính về quản lý các quỹ ngoài ngân sách hiện nay.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 29 ra ngày 19/7/2018