Giải quyết tranh chấp thương mại qua trọng tài Tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thân thiện

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 12:05, 16/07/2018

(BKTO) - Tranh chấp thương mại (TCTM), đặc biệt là các vụ việc tranh chấp có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc giải quyết các TCTM thông qua trọng tài với nhiều hình thức đảm bảo tính hiệu quả cao sẽ mang lại niềm tin cho DN cũng như góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước hấp dẫn.


Tranh chấp gia tăng

Năm 2017 và nửa đầu năm 2018, nền kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện và thuận lợi hơn. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng 14 bậc so với năm 2017, xếp vị trí 68/190 nền kinh tế trên thế giới.

Bên cạnh sự thu hút mạnh mẽ nguồn vốn, dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, môi trường đầu tư trong nước thời gian qua cũng gặp nhiều thách thức, khi các vụ việc TCTM có xu hướng gia tăng với các tranh chấp phổ biến liên quan đến vấn đề về thuế, ưu đãi quy định trong Giấy Chứng nhận đầu tư, hoạt động kinh doanh liên quan đến đầu tư...

Số việc TCTM được VIAC thụ lý năm 2017 tăng cao - Ảnh: VIAC

Dù chưa có thống kê chính thức về số vụ việc TCTM xảy ra mỗi năm, tuy nhiên, chỉ tính riêng số vụ tranh chấp được Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thụ lý, thì con số này vào khoảng 150 vụ việc, với tổng trị giá lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Chưa kể, nhiều vụ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện Chính phủ Việt Nam được đưa ra trọng tài quốc tế. Điển hình là vụ việc nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong Dự án Bệnh viện quốc tế Thận và lọc thận tại TP. HCM và nhà đầu tư South Fork (Mỹ) kiện UBND tỉnh Bình Thuận... Đây là 2 vụ việc mà Hội đồng Trọng tài quốc tế đã tiếp nhận đơn khởi kiện của nhà đầu tư và trải qua nhiều phiên xử, trước khi phán quyết Việt Nam giành phần thắng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, nhiều vụ kiện Việt Nam mặc dù đã được giải quyết, hoặc giành phần thắng, nhưng cũng để lại những bài học đắt giá trong quá trình tìm kiếm, thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo GS,TS. Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và pháp lý ASEAN - tương lai Việt Nam sẽ phải làm việc với rất nhiều nhà đầu tư lớn và xung đột lợi ích là điều khó tránh khỏi, do đó, trong mỗi dự án sẽ phải tránh những sơ hở phát sinh. Vì thế, việc lựa chọn, đánh giá năng lực chủ đầu tư và thường xuyên theo dõi quá trình triển khai dự án là điều kiện tiên quyết để hạn chế tiêu cực.

Tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Trên thực tế, các vụ việc tranh chấp xảy ra, nhưng không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Theo Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch VIAC Vũ Ánh Dương, Việt Nam đang tham gia ngày càng nhiều các hiệp định song phương và đa phương nên việc theo dõi và áp dụng các quy trình, thủ tục giải quyết TCTM cũng khó khăn hơn. Nhiều hiệp định cho phép nhà đầu tư hoặc cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích liên quan được kiện Chính phủ trong các hoạt động đầu tư kinh doanh. Trong khi trình độ giải quyết tranh chấp vẫn là hạn chế chung của các cơ quan quản lý.

Trước đó, tại Hội thảo phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế do Bộ Tư pháp tổ chức, nhiều chuyên gia nhận định, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các DN. Trong đó có việc minh bạch hóa hệ thống pháp luật, đảm bảo tính hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền được tự do lựa chọn các phương thức cũng như hiệu lực thi hành của các bản án và phán quyết trọng tài.

Cũng theo Tổng Thư ký VIAC, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến, thủ tục linh hoạt, thân thiện. Tại Việt Nam, những năm gần đây, phương thức này trở nên gần gũi hơn với DN, trở thành niềm tin và chỗ dựa công lý cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, đại diện VIAC cũng thừa nhận ảnh hưởng của trọng tài đến với cộng đồng, DN còn hạn chế. Một phần nguyên nhân là do quy định pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực này còn mới mẻ, dẫn đến nhìn nhận của xã hội đối với trọng tài thương mại còn chưa đầy đủ.

Theo đó, đại diện VIAC và nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật về trọng tài, Nhà nước cần tiếp tục khuyến khích phát triển trọng tài và có chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của phương thức này. Bên cạnh đó, tổ chức trọng tài cần tiếp tục hoàn thiện mình, có cơ chế giải quyết tranh chấp một cách linh hoạt, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tiễn của Việt Nam...

GS,TS. Lê Hồng Hạnh phân tích, tòa án và trọng tài là 2 phương thức giải quyết tranh chấp phổ biến hiện nay. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, phương thức trọng tài có xu hướng được lựa chọn hơn, bởi đây là tổ chức độc lập, không phải là cơ quan trong bộ máy nhà nước. Do đó, theo GS,TS. Hạnh, cùng với tòa án, VIAC cần đảm bảo tốt hơn nữa vai trò hòa giải, giải quyết các vụ việc tranh chấp, góp phần minh bạch hóa hệ thống pháp luật về xử lý tranh chấp.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 27+28 ra ngày 10/7/2018