Phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Kinh tế - Ngày đăng : 16:30, 15/06/2018

(BKTO) - Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã được Quốc hội nhất trí thông qua tại phiên họp sáng nay (15/6).


Theo đó, Quốc hội nhất trí phát hành 22.090 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đối với khoản đóng BHXH cho người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995. Trong đó, năm 2018 là 6.000 tỷ đồng, năm 2019 là 7.000 tỷ đồng và năm 2020 là 9.090 tỷ đồng.

Mức phát hành trái phiếu chính phủ nhận nợ hằng năm phải nằm trong tổng mức vay của NSNN đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN hằng năm, bảo đảm nợ công trong giới hạn cho phép.


Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV - Ảnh: quochoi.vn

Cũng theo Nghị quyết của Quốc hội, tiền lãi đối với khoản nhận nợ 22.090 tỷ đồng trong thời gian chưa phát hành trái phiếu chính phủ được tính từ ngày 01/01/2016 và theo lãi suất trái phiếu chính phủ có cùng kỳ hạn phát hành trong tháng 12/2015. Tiền lãi này được thanh toán hằng năm hoặc cộng dồn đến cuối kỳ và phát hành trái phiếu chính phủ để bổ sung nhận nợ với BHXH Việt Nam.

“Chính phủ xác định phương án trả lãi, báo cáo Quốc hội quyết định khi trình dự toán NSNN hằng năm, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng và bảo toàn, phát triển Quỹ BHXH theo quy định của pháp luật”- Nghị quyết nêu rõ.

Liên quan đến chính sách lương hưu đối với lao động nữ, Nghị quyết giao Chính phủ ban hành quy định thực hiện chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu. Nguồn kinh phí thực hiện do Quỹ BHXH bảo đảm.

         
Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội cũng đã nhất trí về tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn 2017-2020.
   
   Cụ thể, đối với trường hợp Giấy phép khai thác tài nguyên nước do cơ quan trung ương cấp, thực hiện phân chia 70% số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho ngân sách trung ương, 30% cho ngân sách địa phương.
   
   Đối với trường hợp Giấy phép khai thác tài nguyên nước do UBND cấp tỉnh cấp, thực hiện để lại 100% số thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho ngân sách địa phương.

Đ. KHOA