Báo động tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp

Đầu tư - Ngày đăng : 22:05, 15/05/2018

(BKTO) - Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ra khỏi danh mục vẫn gặp nhiều khó khăn, tình trạng lạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn đang ở mức báo động. Điều này đã dẫn đến các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất...


Ngày 15/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị “Định hướng về công tác BVTV trong tình hình mới”.
                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Lê Hòa

   
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, những năm qua, công tác quản lý thuốc BVTV đã được siết chặt. Theo đó, 1.024 tên thương phẩm có độc tính cao, tồn dư trên nông sản đã được loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV.

Dù vậy, số lượng thuốc BVTV trong danh mục đang mất cân đối khi chủ yếu là các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa. Số lượng nhà máy sản xuất (735 nhà máy) cũng như sản phẩm phân bón (gần 20.000 sản phẩm) đang rất lớn và mất cân đối, chủ yếu là phân bón vô cơ. Hiện tại, khoảng hơn 200 chỉ tiêu chất lượng bao gồm cả vi sinh và hóa lý đã được công bố trong các sản phẩm phân bón nhưng không có phương pháp thử được phê duyệt trong nước.

Đặc biệt, trước xu thế và nhu cầu về sản xuất sạch, bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường, công tác quản lý vật tư nông nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Cục BVTV đang gặp rất nhiều thách thức. Tình trạnglạm dụng thuốc BVTV hóa học và phân bón vô cơ của người dân vẫn diễn ra phổ biến và đang ở mức báo động, khó kiểm soát. Điều này đã dẫn đến các nguy cơ về mất an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường, thoái hóa đất và nhất là tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại.

Định hướng công tác BVTV trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tổ chức phòng chống sinh vật gây hại thông qua triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên phạm vi toàn quốc theo hướng cải tiến của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng và ban hành các chính sách thúc đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ; tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm, chương tình thâm canh lúa cải tiến (SRI)… Đồng thời, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ trong phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, các sản phẩm thuốc BVTV và phân bón nhập lậu.

Đối với danh mục thuốc BVTV, Bộ NN&PTNT phấn đấu giảm 30% tổng số tên thương phẩm trong những năm tới. Bộ chủ trương đầu tư xây dựng các phòng thử nghiệm kiểm chứng ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam để thực hiện vai trò trọng tài trong kiểm tra chất lượng phân bón và thuốc BVTV.
         
Ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2021, tăng lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm; tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10%. Đối với quản lý thuốc BVTV, rút ngắn 30% số lượng tên thương phẩm trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam; tăng 30% lượng thuốc BVTV sinh học được đăng ký và sử dụng.
LÊ HÒA