Hà Nội: Cấm xe máy trong nội đô liệu có khả thi?

Xã hội - Ngày đăng : 15:05, 07/07/2016

(BKTO)- Trước việc Thành ủy Hà Nội vừa nêu định hướng đếnnăm 2025 sẽ dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân trong khu vực nội đô,nhiều ý kiến tán thành và cho đây là chủ trương hợp lý. Tuy nhiên, nhiều chuyêngia giao thông cho rằng, việc đưa ra mục tiêu dừng lưu thông xe máy cũng chỉ làđịnh hướng, khó có thể thực hiện được trong 10 năm tới, vì với tốc độ phát triểnhạ tầng của Hà Nội như hiện nay, đến 2025, chắc chắn giao thông công cộng khóđáp ứng nhu cầu của người dân.


Lộ trình đưa ra chưa phù hợp

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, bình quân mỗi tháng, Hà Nội đăng ký mới 18.000 đến 22.000 xe máy, 6.000 đến 8.000 ôtô. Hiện Hà Nội đang có khoảng 5,5 triệu phương tiện, trong đó có hơn 500 nghìn ôtô và khoảng 5 triệu xe máy; chưa kể các phương tiện giao thông ngoại tỉnh qua lại và xe của các cơ quan T.Ư đóng trên địa bàn. Điều đáng nói, với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân bình quân ở mức 10%/năm như hiện nay, ước tính tới năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 11 triệu phương tiện các loại, trong đó xe máy vẫn chiếm tỷ lệ lớn.


Người dân sẽ đi lại bằng phương tiện gì khi TP. Hà Nội dừng hoạt động các phươngtiện xe máy cá nhân vào nội đô từ năm 2025.Ảnh: TK
Để giải quyết vấn đề này, việc phát triển các phương tiện giao thông công cộng có thể nói là hướng giải quyết duy nhất và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển các tuyến vận tải công cộng của Hà Nội đang rất ì ạch. Ngoại trừ xe buýt, các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như xe buýt nhanh và đường sắt đô thị đều đang rất chậm chạp và có nguy cơ “vỡ” quy hoạch. Đây là lý do khiến nhiều chuyên gia giao thông bày tỏ lo ngại khi TP. Hà Nội đưa ra lộ trình đến năm 2025 dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân vào nội đô.

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông đô thị, hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những biện pháp cần thiết. Thế nhưng, đặt mốc hoàn thành mục tiêu này trong năm 2025 là không phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Thực tế cho thấy, giao thông công cộng tại Hà Nội hiện nay chỉ đáp ứng được 8% đến 10% nhu cầu và dự kiến đến năm 2025 cũng chỉ đáp ứng được nhiều nhất là 15% đến 20%. Ngoài ra, tại Hà Nội nói riêng và các đô thị trong cả nước nói chung, có tới 70% đến 80% người dân sử dụng xe máy để mưu sinh, phục vụ các hoạt động lao động phổ thông. Phần lớn công việc của họ không phù hợp với các phương tiện như xe buýt, xe điện. Dự báo đến năm 2025 chắc chắn vẫn có khoảng 50% đến 60% người dân đi xe máy. Như vậy, nếu cấm xe máy cá nhân là không thực tế, gây khó khăn cho người dân.

Ngoài ra, theo khảo sát của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), nếu một thành phố, cứ 700m lại có một ga tàu điện ngầm hoặc tàu trên cao, người dân sẽ chỉ đi phương tiện công cộng đi làm. Tại Hà Nội, để đảm bảo đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, cần phải có 6 tuyến tàu điện ngầm và nổi, với tổng chiều dài trên 100km. Với chi phí từ 80 đến 100 triệu USD/km thì đây là số vốn khổng lồ, liệu có huy động đủ và xây dựng kịp tiến độ vào thời điểm năm 2025?

Giao thông công cộng phải đáp ứng nhu cầu của người dân

Nhiều người dân lo ngại nếu ngừng lưu thông xe máy, họ sẽ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân gì để di chuyển khi chưa rõ tới năm 2025 hệ thống giao thông công cộng sẽ phát triển tới trình độ nào, chứ như hiện nay vẫn chưa thuyết phục được hành khách. Vì hầu hết hệ thống xe buýt đang sử dụng có chất lượng không cao, giờ giấc xuất phát không ổn định và rất nhiều tuyến phố vẫn chưa có xe buýt đi qua. Đã có người thử chuyển sang sử dụng xe buýt để đi làm nhưng sau vài lần bị muộn giờ, cực chẳng đã lại phải quay về sử dụng xe máy. Ngoài ra, cũng phải kể đến một bộ phận người dân không thể không sử dụng xe máy. Đó là những gia đình có con nhỏ, chưa thể tự đi xe buýt. Nếu những ông bố, bà mẹ trẻ sau giờ làm phải bắt xe, đi bộ đến trường đón con, rồi sau đó mới cùng về nhà thì sẽ không đảm bảo về thời gian sinh hoạt. Chưa kể đến những người lao động bình dân, chiếc xe máy là phương tiện mưu sinh khó có thể thay thế.

Theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội, phải căn cứ vào cấu trúc phương tiện giao thông chứ không chỉ nhìn riêng vào xe máy. Đến năm 2020, Hà Nội sẽ có hơn 7 triệu xe máy và hơn 1 triệu ôtô nhưng mạng lưới đường giao thông mới đạt được khoảng 10% diện tích tự nhiên. Trong khi đó các đô thị phải đạt 20 đến 25% diện tích đất tự nhiên dành cho giao thông. Vì vậy, TP.Hà Nội cần xác định lộ trình thích hợp để đưa ra giải pháp thực hiện, tránh đưa ra những chỉ tiêu mà thiếu giải pháp.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, các nước cấm được xe máy thành công vì đảm đương được 40% đến 60% phương tiện công cộng, có quyền dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy. Chủ trương hạn chế xe máy về lâu dài là hợp lý nhưng không thể làm nóng vội, lộ trình phải căn cứ thực tế trên các chỉ tiêu phát triển phương tiện công cộng. Do đó, để giải bài toán này, trước hết Hà Nội cần nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị và hệ thống giao thông công cộng đáp ứng được ít nhất 30% nhu cầu đi lại của người dân rồi hãy tính tới chuyện hạn chế xe máy. Vì khi hệ thống vận tải hành khách công cộng tốt, chính quyền không cần cấm, người dân sẽ tự động bỏ xe cá nhân.

LÊ HÒA