Tháo gỡ vướng mắc về vốn cho nông dân

Xã hội - Ngày đăng : 10:10, 16/04/2018

(BKTO) - Tại Hội nghị Đối thoại với nông dân do T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Hải Dương tổ chức sáng 09/4, với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới”, nhiều đại biểu đã chia sẻ, việc thông tin thiếu minh bạch, rõ ràng khiến nông dân khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thậm chí, để duy trì sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ nông dân đã phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất của ngân hàng.


Nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Ông Tô Hiến Thành (Bắc Giang) cho biết, để duy trì sản xuất, những người nông dân như ông phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, thậm chí phải vay tín dụng đen với lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất ngân hàng. Ông Thành hy vọng, Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất cho vay nông nghiệp và có giải pháp để ngăn chặn tình trạng tín dụng đen đang hoành hành ở nông thôn.

Còn ông Nguyễn Đăng Cường (Bắc Ninh) cho hay, các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…. cho nông dân vay vốn với lãi suất rất thấp, chỉ bằng 1/2 lãi suất ở lĩnh vực khác. Trong khi ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, nguy cơ rủi ro cao, giá cả bấp bênh, thu lời ít, nhưng nông dân vay vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất rất cao. Để giúp nông dân bớt khó khăn, ông Cường mong muốn Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo về việc giảm 50% lãi suất so với lĩnh vực khác cho nông dân.

Nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên đầu tư vốn. Ảnh: Bình Phước
Đến từ tỉnh Long An, ông Võ Quan Huy cho biết, hiện nay, để sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi, người nông dân đã thực hiện việc tích tụ ruộng đất theo chủ trương của Chính phủ. Quá trình đã giúp người nông dân áp dụng công nghệ, máy móc vào sản xuất lớn. Tuy nhiên, họ vẫn gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. "Tôi có nhà màng hiện đại nhưng vẫn không thể dùng nhà màng này để thế chấp ngân hàng. Trước đây, đã có lần Thủ tướng hứa sẽ dành gói vốn 100.000 tỷ đồng cho nông dân vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhưng đến nay, vốn vẫn chưa thấy rót về. Vậy, Thủ tướng có thể cho biết, bao giờ chúng tôi sẽ được tiếp cận với gói tín dụng này?" - ông Huy thẳng thắn đặt câu hỏi.

Tạo điều kiện tối đa cho nông dân

Trước những băn khoăn trên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, Chính phủ luôn xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhằm hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này. Cụ thể, tổng dư nợ cho vay tam nông đã đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 22% tổng dư nợ nền kinh tế; riêng tốc độ tăng trưởng vốn cho vay lĩnh vực tam nông đạt khoảng 20%....

Đối với vấn đề tín dụng đen ở nông thôn, ông Đào Minh Tú cho rằng, tình trạng này không phải vì nông dân khó tiếp cận hệ thống ngân hàng hay ngân hàng thiếu vốn, mà yếu tố quan trọng nhất là tính minh bạch của dự án, mục đích sử dụng nguồn vốn. Do đó, nếu DN không cụ thể, minh bạch về thông tin, hiệu quả dự án thì rất dễ dẫn đến phải vay tín dụng đen. NHNN đang nghiên cứu thí điểm loại hình tín dụng lưu động để cho vay trực tiếp tận xã, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng.

Về vấn đề lãi suất, ông Tú khẳng định, đến nay, lãi suất đã giảm khoảng hơn một nửa so với đầu năm 2013, từ 14% xuống về dưới 6,5%. Đây là điều tích cực nhằm giảm lãi suất cho vay, giảm bớt chi phí cho DN, hộ nông dân. Ông Tú cho biết thêm, hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo sửa đổi Nghị định số 55/2015/NĐ-CP theo hướng bổ sung một số quy định mới như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm để phù hợp với đặc điểm, chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng, vật nuôi và nhu cầu vốn ngày càng tăng; ưu đãi cho vay nông nghiệp công nghệ cao; nâng mức cho vay tối đa cá nhân, hộ nông nghiệp từ 50 triệu đồng hiện tại lên gấp đôi là 100 triệu đồng. Việc sửa đổi này nhằm tạo cơ chế thuận lợi hơn cho nông dân vay vốn.

Thông tin thêm về vốn cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Phạm Toàn Vượng cũng cho biết, Ngân hàng cũng đã triển khai trước gói cho vay 100.000 tỷ đồng của Chính phủ. Ngân hàng hiện không thiếu vốn, còn dư nợ vốn để cho vay, nhưng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi đó đầu ra chưa đảm bảo. Đây là rào cản khiến việc cho vay bị vướng mắc. Để tháo gỡ khó khăn này, ông Vượng khẳng định, Ngân hàng sẽ cố gắng linh hoạt, các cán bộ tín dụng ngân hàng cũng được giao chỉ tiêu chặt chẽ và gắt gao nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của nông dân.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, ngay sau buổi đối thoại này, NHNN phải cùng các ngân hàng thương mại xử lý dứt điểm những thủ tục làm khó việc tiếp cận vốn mà các nông dân đã nêu. Đồng thời, Hội Nông dân Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan tập hợp mọi kiến nghị báo cáo Thủ tướng, để từ đó Chính phủ sẽ hình thành nên các chính sách tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018