Cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người kế thừa xuất sắc người tiền nhiệm trong chỉ đạo và định hướng phát triển Kiểm toán Nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 11:25, 21/03/2018

(BKTO) - TS. VƯƠNG HỮU NHƠN - nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước


Những ngày qua, nhiều chính khách và nhiều cán bộ, chuyên viên cao cấp đã từng có thời gian công tác gần gũi với cố Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ bày tỏ sự tiếc nuối khi biết tin ông từ trần mà còn tự đúc rút cho mình những bài học quý về lòng nhiệt thành và ý chí hoàn thành trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó trước những khó khăn thách thức khôn lường; về năng lực nhận biết và sử dụng hiền tài vì sự hội nhập và phát triển của đất nước; về sự biết lắng nghe, ham học hỏi những vấn đề mới để thực hiện cải cách, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp và đời sống của nhân dân; về sự bình dị, khiêm tốn, luôn sống có tình có nghĩa với anh em, đồng đội và quê hương mình;…

Nhìn lại chặng đường gần hai mươi tư năm xây dựng và phát triển của KTNN, cố Thủ tướng Phan Văn Khải - người mà chúng tôi vẫn gọi với cái tên trìu mến Anh “Sáu Khải” - đã để lại những dấu ấn sâu đậm không dễ phai mờ. Cố Thủ tướng Phan Văn Khải tuy không phải là người đặt viên gạch đầu tiên cho sự ra đời của KTNN nhưng lại là người kế thừa xuất sắc người tiền nhiệm là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong việc chỉ đạo và định hướng phát triển cho KTNN ngay từ những ngày đầu mới thành lập.

Thủ tướng Phan Văn Khải gắn Huân chương Lao động hạng Nhất lên cờ truyền thống của KTNN năm 2004. Ảnh: TƯ LIỆU

Tôi có một may mắn là đã từng có thời gian làm việc với Anh “Sáu Khải” khi ở Thành phố Hồ Chí Minh nên có thuận lợi hơn mỗi khi gặp hoặc báo cáo tình hình hoạt động của KTNN. Tôi biết, Anh “Sáu Khải” với tư cách là người đứng đầu Chính phủ bận trăm công ngàn việc nên khi được gặp là tôi lại tranh thủ báo cáo và trình bày suy nghĩ của mình xoay quanh những khó khăn ban đầu của KTNN:

Một là, về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của KTNN rộng khắp cả nước và trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội cần thiết phải có địa vị pháp lý với khung khổ luật pháp tương xứng. Hiện nay, KTNN hoạt động dựa trên Nghị định 70/CP và Quyết định 61/TTg là chưa đủ, trong khi chờ xây dựng Luật Kiểm toán nhà nước thì trước mắt Anh cho phép xây dựng Pháp lệnh Kiểm toán nhà nước. Anh “Sáu Khải” chăm chú nghe và đồng ý, giao cho tôi phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị kỹ nội dung khi nào xong thì báo cáo Văn phòng Chính phủ để xin ý kiến các thành viên Chính phủ.

Vì KTNN là cơ quan mới thành lập, lại không có tổ chức tiền thân và không có thông lệ trong tổ chức bộ máy nhà nước nên khi thông qua việc đưa Pháp lệnh Kiểm toán nhà nước vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của Chính phủ trình Quốc hội, các thành viên Chính phủ có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều đi đến thống nhất là: KTNN cần thiết phải có địa vị pháp lý tương xứng với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

Chính vì vậy, không xây dựng Pháp lệnh Kiểm toán nhà nước mà sẽ xây dựng Luật Kiểm toán nhà nước! Tuy mong muốn xây dựng Pháp lệnh Kiểm toán nhà nước không được thông qua nhưng đây là cơ sở quan trọng trong suốt quá trình xây dựng và ban hành Luật Kiểm toán nhà nước vào năm 2005. Đây chính là căn cứ pháp lý cao nhất điều chỉnh mọi hoạt động của KTNN theo hướng chất lượng và hiệu quả.

Hai là, là cơ quan mới thành lập, cần thiết phải cử các Đoàn ra nước ngoài để trao đổi và học tập kinh nghiệm về xây dựng mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động kiểm toán sao cho phù hợp với đặc thù của Việt Nam nhưng kinh phí hết sức eo hẹp. Bộ Tài chính thấy KTNN đề nghị cấp kinh phí nhiều lần và vượt cả quy định so với các Bộ, ngành khác đã xin ý kiến Cố Thủ tướng Phan Văn Khải.

Sau này, tôi được biết, Anh “Sáu Khải” nói rằng: “Đặc thù của KTNN khác với các Bộ, ngành khác, việc có nhiều đoàn ra, đoàn vào là cần thiết… Ba Nhơn biết xài tiền lắm! Bộ Tài chính cứ cấp kinh phí đi”. Vậy là, cố Thủ tướng Phan Văn Khải đã mở lòng và thực sự ưu ái với một cơ quan hết sức non trẻ, đó là KTNN.

Ba là, trước những khó khăn và thiếu thốn về đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tôi đã trực tiếp trình bày với Thủ tướng: “Tôi thương anh em quá mà chẳng biết giải quyết ra sao…đề nghị Thủ tướng cho cán bộ, công chức KTNN được hưởng trợ cấp ba ngàn đồng một ngày”. Thủ tướng trầm ngâm giây lát rồi bảo: “Tôi cũng biết, hiểu và thông cảm với đời sống của anh em KTNN, cái khó là, nếu chính thức giải quyết cho KTNN thì các Bộ, ngành khác tính sao? Cậu trao đổi với Bộ Tài chính xem có cách nào đó vận dụng linh hoạt không rồi sẽ tính tiếp?”. Cuối cùng, nguyện vọng của tôi cũng được các anh ở Bộ Tài chính ủng hộ.

Bốn là, khi tôi chuẩn bị nghỉ hưu, Thủ tướng gọi lên và giới thiệu một số nhân sự có cả ở cơ quan Trung ương và địa phương làm người kế cận. Tôi nói với Thủ tướng: “Phạm vi hoạt động của KTNN rộng khắp các tỉnh thành, cả quân đội, công an và tài chính đảng. Quá trình làm việc phải tiếp xúc với các đồng chí là Ủy viên Trung ương và cả Ủy viên Bộ Chính trị nên người đứng đầu KTNN phải là Ủy viên Trung ương có năng lực về công tác lãnh đạo và quản lý, không cầu toàn sự am hiểu về kế toán, kiểm toán; bởi các Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và đội ngũ cán bộ cấp vụ hiện nay đều có trình độ chuyên môn, chuyên ngành và đã trải qua thực tiễn...”.

Thủ tướng thấy ý kiến đề xuất của tôi có lý và đã cân nhắc nhiều nhân sự. Sau này, anh Đỗ Bình Dương là Ủy viên Trung ương Đảng được bổ nhiệm chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước. Từ đó đến nay, chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước luôn là Ủy viên Trung ương. Điều này càng khẳng định vị thế của KTNN trong bộ máy nhà nước.

Lật giở cuốn Kỷ yếu: “Kiểm toán Nhà nước - 20 năm xây dựng và phát triển”, chúng ta càng thấm thía lời căn dặn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải: “Cần phấn đấu nâng cao hiệu lực của những kết luận kiểm toán. Muốn vậy, các kết luận kiểm toán trước hết phải trung thực, được đưa ra từ một cơ quan có vị thế độc lập, khách quan, Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan có vị thế như vậy”!

TP. HCM, sáng ngày 19/3/2018