EU công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 50 tỷ euro

Chính trị - Ngày đăng : 22:05, 27/06/2022

(BKTO)- Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch phát hành 50 tỷ euro (tương đương 52,8 tỷ USD) trái phiếu châu Âu để tài trợ cho chương trình phục hồi NextGenerationEU từ tháng 7 đến tháng 12 tới.

Hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số, xanh và phát triển bền vững     

   Cờ EU tại trụ sở Brussels - Bỉ - Nguồn: Reuters   

Theo đó, mục đích của đợt phát hành trái phiếu châu Âu lần này là nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và giúp xây dựng một châu Âu xanh hơn, kỹ thuật số hơn và linh hoạt hơn.

"Trong nửa cuối năm, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi và tài trợ cho quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số cũng như khả năng phục hồi lâu dài của châu Âu thông qua thị trường tài chính," Ủy viên châu Âu về ngân sách và quản lý Johannes Hahn cho biết.

Quỹ phục hồi với tên gọi "Thế hệ tiếp theo của EU" (NextGenerationEU)là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Quỹ phục hồi kinh tế này sẽ tài trợ cho 41 chương trình quốc gia và khu vực nhằm tăng cường hệ thống y tế, tạo việc làm và hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quỹ này cũng sẽ hỗ trợ các dự án nhằm giảm sự chênh lệch trong hồi phục kinh tế giữa các khu vực khác nhau. Tuy nhiên, các kế hoạch này đều tuân theo mục tiêu chung của EU là hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số, xanh và phát triển bền vững.

Để tài trợ choNextGenerationEU, EC đã xây dựng kế hoạch huy động khoảng 800 tỷ euro trên thị trường vốn từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2026. Trong đó, từ tháng 6/2021 đến nay đã có 118,5 tỷ euro được giải ngân. Ngoài ra, EC cũng dự kiến sẽ cấp 9 tỷ euro hỗ trợ Ukraine theo một chương trình hỗ trợ tài chính vĩ mô đặc biệt mới (MFA) kèm các khoản vay khác lên tới 6,6 tỷ euro trong chương trình SURE để giảm thiểu rủi ro thất nghiệp tạm thời.

Trước đó trong nửa đầu năm nay, EC đã phát hành 47,5 tỷ euro trái phiếu EU. Đợt phát hành tiếp theo dự kiến sẽ được thực hiện vào ngày 27/6.

EU tìm cách đạt thỏa thuận về luật khí hậu                

   Khí thải bốc lên từ mỏ than ở Bottrop, Đức - Nguồn: AFP   

Trong một diễn biến khác, các bộ trưởng của EU dự kiến nhóm họp trong tuần này nhằm tìm kiếm thỏa thuận về các kế hoạch hành động chung chống biến đổi khí hậu.

Cụ thể,ngày 27/6 các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp và 28/6 là cuộc họp của các bộ trưởng môi trường để nhất trí về các đề xuất luật nhằm đạt mục tiêu cắt giảm 55% khí thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Các luật này sẽ mở rộng lĩnh vực năng lượng tái tạo, điều chỉnh thị trường khí thải CO2 của EU và cấm bán các loại xe ôtô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035.

Hội nghị cũng sẽ tạo cơ hội để các bộ trưởng thảo luận các kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm nhu cầu khí đốt. EU dự báo sức ép của lượng cầu về khí tự nhiên sẽ tăng trong những tuần tới trong trường hợp nguồn cung từ Nga tiếp tục bị cắt giảm. EU cho biết cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng trong năm nay do xung đột tại Ukraine khiến 27 nước thành viên EU phải tăng tốc hơn nữa trong việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, nguy cơ suy giảm kinh tế do giá năng lượng tăng khiến một số nước thận trọng hơn trong việc chuyển đổi năng lượng.

Các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến ủng hộ các mục tiêu mà EC đề ra năm ngoái, theo đó đến năm 2030 đạt 40% năng lượng từ các nguồn tái tạo và giảm 9% mức tiêu thụ năng lượng dự kiến. EU đã tăng các mục tiêu nói trên lần lượt lên 45% và 13% hồi tháng trước, nhằm đẩy nhanh mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc của các nước vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và đang ngày càng trở nên đắt đỏ.

Tuy nhiên, các bộ trưởng dự kiến phê chuẩn các đề xuất ban đầu và lùi thời điểm cân nhắc các mục tiêu cập nhật đến cuối năm nay, khi họ thảo luận về các dự luật cuối cùng với Nghị viện châu Âu (EP).

Các dự thảo thỏa thuận xác định một số mục tiêu là tự nguyện, không ràng buộc pháp lý, như mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng và mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm 2,6% nhiên liệu vận tải vào năm 2030. Các nước cũng cân nhắc hạ mục tiêu một nửa năng lượng hydrogen sử dụng trong công nghiệp được tạo ra từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Một số nhà ngoại giao bày tỏ lo ngại những thay đổi trên, nếu được phê duyệt, sẽ khiến EU không đạt các mục tiêu khí hậu của khối này. Tuy nhiên, một số người khác cho rằng các nước sẽ giữ lại các nội dung cốt yếu để đạt các mục tiêu về khí thải.

NAM SƠN (Tổng hợp)