Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu lịch sử uy tín

Kinh tế - Ngày đăng : 15:51, 04/06/2022

(BKTO) - Trong thời gian tới, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cần đặt tầm nhìn phấn đấu trở thành một trung tâm nghiên cứu lịch sử có uy tín của khu vực và thế giới.


Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu Hội Khoa học lịch sử Việt Nam vào ngày 03/6.
                
   

Quang cảnh buổi gặp mặt.Ảnh: VPCTN

   

Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử đã và đang cống hiến trí tuệ, tài năng cho sự phát triển của ngành khoa học lịch sử nói riêng, cũng như đối vớicông cuộc xây dựng Tổ quốc nói chung.

Nhấn mạnh Hội Khoa học lịch sử Việt Nam được hình thành rất sớm từ năm 1966, Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò và những kết quả mà Hội đã đạt được trong thời gian qua.

Theo đó, Hội đã có nhiều nghiên cứu khoa học lịch sử có giá trị cả về lượng và chất, đóng góp vào sự nghiệp phát triển của nền sử học nước nhà. Song song với đó, Hội cũng tham gia tích cực vào các hoạt động phản biện xã hội, góp phần bảo vệ các giá trị lịch sử đúng đắn của dân tộc, bảo vệ các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, chống lại sự xuyên tạc của nhiều nhóm thế lực.

Chủ tịch nước cũng đánh giá uy tín của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam không ngừng được nâng cao, nhiều nhà sử học của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và vinh danh; Hội cũng nhận được nhiều phần thưởng cao quý là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những thành quả mà Hội đã đạt được.

Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, Chủ tịch nước mong muốn, trong thời gian tới, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam không chỉ nghiên cứu và tập trung vào lịch sử Việt Nam, mà còn nghiên cứu, am hiểu sâu sắc lịch sử khu vực và thế giới.

Đặc biệt, Hội cần đặt tầm nhìn phấn đấu trở thành một trung tâm nghiên cứu lịch sử có uy tín của khu vực và thế giới; xây dựng những nhóm nghiên cứu mạnh để có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc gia và khu vực.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, Hội cần chú trọng bồi dưỡng và phát triển đội ngũ các nhà sử học kế cận, tiếp nối xứng đáng vớinhững nhà sử học tiền bối trong lịch sử nước nhà.

Đồng thời, Hội cần chú trọng tôn vinh những nhà khoa học nghiên cứu lịch sử có nhiều cống hiến cho đất nước; cũng nhưcó thêm nhiều giải thưởng về sử học, mở rộng đối tượng, phạm vi, hình thức các giải thưởng, cấp học bổng khuyến khích học tập cho học sinh, sinh viên…, nhằm khuyến khích tinh thần nghiên cứu, giảng dạy và học sử trong nhà trường và xã hội…/.

DIỆU THIỆN