Khắc phục bất cập trong quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản

Chính trị - Ngày đăng : 22:05, 01/06/2022

(BKTO) - Tham gia thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và NSNN, đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) đã dành thời gian phân tích về những bất cập trong quản lý, thu thuế chuyển nhượng bất động sản và đề xuất các giải pháp nhằm chống thất thu thuế lĩnh vực này.


                
   

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình phát biểu thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Cơ sở pháp lý không rõ ràng, áp dụng thiếu thống nhất

Theo đại biểu Phan Thái Bình, thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản giữ vai trò rất quan trọng của nền kinh tế. Hai thị trường này trong những năm qua có bước phát triển mạnh mẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, nhiều sai phạm lớn trong lĩnh vực này đã được phát hiện và đưa ra xử lý, trong đó điển hình là khởi tố vụ án của tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Bên cạnh đó, tình trạng 2 giá, giá giao dịch bất động sản thực tế cao hơn nhiều so với giá kê khai trên hợp đồng trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn xảy ra phổ biến, làm thất thu NSNN.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cơ quan thuế, các cấp và các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, hướng dẫn người dân, DN kê khai đúng giá chuyển nhượng bất động sản, bước đầu nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo nguồn NSNN.

“Tuy nhiên, các chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thời gian qua còn rất chung chung, chưa giải quyết triệt để được gốc vấn đề mà ngược lại đã làm phát sinh những hệ lụy bất cập trong quá trình thực hiện” - đại biểu Phan Thái Bình đánh giá.

Đại biểu chỉ rõ, hiện nay theo quy định của pháp luật thì việc kê khai tính thuế là giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá hợp đồng. Trường hợp trong hợp đồng không ghi giá hoặc giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá đất Nhà nước quy định thì giá tính thuế theo khung giá đất Nhà nước. Bản chất đây là giao dịch dân sự với sự thỏa thuận của 2 bên mua và bán. Như vậy, nguồn gốc của thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản chính là sự kê khai không trung thực của một bộ phận người dân tham gia giao dịch bất động sản và bảng giá đất của các địa phương hiện nay không sát với giá thị trường, còn thấp hơn nhiều so với giá thực tế.

Bên cạnh đó, đặt ra việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cũng phải gắn với quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị thu hồi đất. Khi kinh doanh chuyển nhượng bất động sản thì người dân chịu mức thuế cao hơn, tức là theo giá thị trường nhưng khi bị thu hồi đất, đền bù thì áp theo giá Nhà nước, dẫn đến bất bình đẳng trong mối quan hệ này.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế hiện nay không có cơ sở pháp lý rõ ràng để công nhận hoặc không công nhận mức giá kê khai trong hợp đồng công chứng là giá giao dịch thực tế. Chính vì vậy, việc áp dụng các biện pháp để chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản ở các địa phương là không thống nhất, mỗi nơi, mỗi người áp dụng một kiểu.

“Theo phản ánh của cử tri, một số cơ quan thuế ở cấp huyện có biểu hiện tùy tiện trong việc áp dụng giá bất động sản, tính thuế, nhiều nơi yêu cầu người dân phải chấp thuận giá tính thuế cao hơn từ 1,2 đến 1,5 lần, thậm chí có nơi đến 2 lần giá đất Nhà nước quy định thì mới được giải quyết hồ sơ. Trường hợp giá trong hợp đồng thấp hơn mức trên thì cơ quan thuế ngâm hồ sơ, mời lên làm việc nhiều lần hoặc trả hồ sơ vì cho rằng giá ghi trong hợp đồng chưa sát với giá thị trường bất động sản. Tuy nhiên, căn cứ nào để xác định sát với giá thị trường bất động sản và áp dụng giá tính thuế cao hơn giá Nhà nước quy định thì cơ quan thuế không chỉ ra và cũng không được quy định rõ ràng, minh bạch” - đại biểu Phan Thái Bình chỉ ra thực tế.

Tình trạng trên dẫn đến một số địa phương có hồ sơ chậm giải quyết quá hạn khá lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và quyền lợi của người dân.

Bên cạnh đó, một số cán bộ thuế có biểu hiện lạm quyền, gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân và DN trong quá trình giải quyết hồ sơ.

Quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường

Đại biểu Phan Thái Bình phân tích, về nguyên tắc, cá nhân kê khai giá chuyển nhượng bất động sản sai giá thực tế, thực hiện 2 giá giao dịch (giá thực tế và giá ghi trong hợp đồng) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những hành vi gian lận này cần phải được lên án, phải được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, thực tế các chỉ đạo trong chống thất thu thuế và hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn chung chung, chưa giải quyết được các nhiệm vụ nêu trên. Việc thiếu các giải pháp rõ ràng, cụ thể về pháp lý, kỹ thuật cũng vô tình dẫn đến nguy cơ làm công cụ, phương tiện để cho một số cơ quan, tổ chức có điều kiện nhũng nhiễu, trục lợi, tham nhũng, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân và DN.

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về đất đai, về thuế, trong đó quy định rõ nguyên tắc xác định giá đất theo giá thị trường đúng như quy định của Luật Đất đai.

UBND các tỉnh, thành phố phải cập nhật đúng, đủ và kịp thời giá đất theo sát giá thị trường vào bảng giá đất của Nhà nước để làm căn cứ tính thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản và tính chi phí bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất cho người dân để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trong các mối quan hệ này.

Đồng thời, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phải quy định rõ ràng, cụ thể các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định của pháp luật để cơ quan thuế địa phương thực hiện đảm bảo tính thống nhất, công khai, minh bạch, tránh tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, góp phần đưa thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Đ. KHOA