Ngày Thẻ Việt Nam góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 20:21, 17/04/2022

(BKTO) - Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2 năm 2022 góp phần tuyên truyền về lợi ích của các phương thức thanh toán số mới, hiện đại, qua đó thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).


                
   

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định ý nghĩa quan trọng của Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2 năm 2022. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Tại Lễ khai mạc sự kiện Sóng Festival tối 16/4 trong khuôn khổ Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ hai 2 (2022) do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Báo Tiền phong và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phối hợp tổ chức, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, với chuỗi sự kiện sôi động, liên tiếp trong thời gian qua, Ngày thẻ Việt Nam năm 2022 đã khẳng định được ý nghĩa, sức lan tỏa rộng rãi đến người dân, nhất là giới trẻ.

Một trong các mục tiêu của Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành là ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ TTKDTM an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng của người dân và DN.

Sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam lần 2 với thông điệp “Tự tin mở lối - trải nghiệm công nghệ thanh toán hiện đại” phù hợp với chủ trương phát triển, tuyên truyền, phổ biến lợi ích của các phương thức thanh toán số mới, hiện đại.

Phó Thống đốc chia sẻ, những năm qua, NHNN đã chủ động nghiên cứu, xây dựng quy định pháp lý, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ thanh toán dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến góp phần thúc đẩy TTKDTM.

Những chính sách, quy định kịp thời đã tạo thuận lợi cho các ngân hàng đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán số, biến thanh toán số trở thành một phần quen thuộc trong xã hội.

Đến nay, đã có thêm khoảng 2 triệu tài khoản khách hàng được mở bằng phương thức điện tử eKYC (định danh điện tử). Hoạt động thanh toán điện tử đã tăng mạnh trong 5 năm qua. Số lượng giao dịch qua di động tăng 50 - 80%/năm, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng đạt 66%. Ngành ngân hàng đã đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán điện tử của người dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh Việt Nam chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các ngân hàng có cơ hội đưa ra các sản phẩm, hình thức thanh toán mới, hiện đại như: thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán NFC, thanh toán qua mã QR, thương mại điện tử qua ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking… kết hợp với các giải pháp xác thực khách hàng qua sinh trắc học, bảo mật thông tin thẻ, eKYC.

Sự kiện Sóng Festival và chuỗi sự kiện Ngày Thẻ Việt Nam năm 2022 sẽ tiếp tục truyền tải, lan tỏa các thông điệp tích cực về sản phẩm, công nghệ TTKDTM đến giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Theo Ban Tổ chức, Ngày Thẻ Việt Nam lần thứ 2 có sự tham gia của 20 ngân hàng và tổ chức tài chính, hơn 100 DN; giới thiệu các dịch vụ, tiện ích TTKDTM.
                
   

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng (đứng giữa) cùng các đại biểu tham quan gian hàng tại Sóng Festival. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Đặc biệt, tại sự kiện Sóng Festival lần này, NAPAS cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính và các DN tiếp tục giới thiệu đến sinh viên những công nghệ thanh toán hiện đại nhất. Qua đó, sinh viên sẽ hiểu hơn về những lợi ích của các phương thức thanh toán này và dần thay đổi thói quen cũng như hình thành xu hướng TTKDTM, góp phần mang lại những giá trị tốt đẹp cho xã hội cũng như sự phát triển của nền kinh tế số.

Trước đó, trong khuôn khổNgày Thẻ Việt Nam lần 2 năm 2022, Tọa đàm Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch đã được tổ chức vào ngày 13/4. Cùng với Tọa đàm và chương trình Sóng Festival (ngày 16-17/4), sự kiện Mega Sales cũng diễn ra từ tháng 4/2022./.
THÀNH ĐỨC