Xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học

Đối nội - Ngày đăng : 10:21, 03/12/2021

(BKTO) - Văn hóa học đường là môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện. Do đó, xây dựng văn hóa học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục. Đây là vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận tại Tọa đàm “Xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 02/12.


                
   

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Lan Anh

   

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết: Văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm cao với đất nước, với gia đình và bản thân.

Xây dựng văn hoá học đường phải được coi là vấn đề trọng tâm trong mỗi cơ sở giáo dục, ở đó diễn ra quá trình tương tác giữa thầy cô với học sinh, sinh viên, giữa thầy cô với nhau và giữa học sinh, sinh viên với nhau. Một thành tố quan trọng để làm nên văn hóa học đường đó là hành vi văn hóa ứng xử trong các nhà trường.

Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, vấn đề văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục hiện nay còn nhiều bất cập, môi trường văn hóa học đường bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Dư luận xã hội có nhiều quan ngại về sự xuống cấp của môi trường văn hóa xã hội nói chung và đã ảnh hưởng không nhỏ trong môi trường học đường. Hệ quả là tình trạng bạo lực học đường có xu hướng gia tăng, học sinh sử dụng ngôn ngữ lệch chuẩn, thiếu văn hóa… đáng báo động.

Các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị để xây dựng văn hóa học đường trong thời gian tới. Đồng thời đề xuất những tiêu chí nhằm xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học, từ đó có được sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động và tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về văn hóa ứng xử trong mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo và học sinh, sinh viên.

Trong đó, vai trò gắn kết giữa nhà trường - gia đình - xã hội được nhấn mạnh, vì để xây dựng nên nền tảng văn hóa của một con người thì cần phải có sự phối hợp tổng hòa của nhiều phía. Ngành Giáo dục cần phải xây dựng bộ tiêu chí cụ thể về ứng xử văn hóa trong nhà trường để các cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện.

N.LỘC