Nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thừa Thiên Huế

Chính trị - Ngày đăng : 09:05, 12/10/2021

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, chiều 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét, cho ý kiến về các dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế.


Tại Phiên họp, UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày các Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An và tỉnh Thừa Thiên Huế; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 3 tỉnh, thành phố trên.
                
   

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Trên cơ sở Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH nhất trí ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế huy động nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương này.

Cho ý kiến về việc phát triển Khu thương mại tự do, các thành viên UBTVQH đánh giá, đề xuất của Chính phủ thể hiện sự quyết tâm, tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ và Thành phố Hải Phòng. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, việc quy định hình thành Khu thương mại tự do là vấn đề quan trọng, không chỉ dưới góc độ kinh tế mà còn liên quan đến yếu tố quốc phòng, an ninh, hội nhập, ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Việc thành lập Khu thương mại tự do không chỉ dừng ở phạm vi của cơ chế, chính sách đặc thù riêng lẻ mà gắn với việc xây dựng các thể chế, thiết chế pháp luật có tác động lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng.

Do vậy, đa số ý kiến đồng tình với Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và đề nghị trước mắt chưa quy định nội dung này trong Dự thảo Nghị quyết. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với Thành phố Hải Phòng tiếp tục nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng, xây dựng Đề án và Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị. Căn cứ ý kiến Bộ Chính trị, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.
                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại Phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Đối với tỉnh Nghệ An, các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với quy định về quản lý tài chính, NSNN, về phân cấp thẩm quyền quản lý đất đai và quy hoạch. Theo đó, việc nâng mức trần vay từ 20% lên 40% sẽ góp phần tạo dư địa để tỉnh Nghệ An huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong điều hành vay nợ, có ý kiến đề nghị bảo đảm nguyên tắc phù hợp với khả năng trả nợ của ngân sách địa phương và phù hợp với tổng mức bội chi NSNN được Quốc hội quyết định hằng năm, không làm hạn chế dư địa vay đầu tư phát triển của các địa phương khác.

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, các ý kiến thảo luận cho rằng, mặc dù có những thế mạnh đặc thù, song về cơ bản, các chính sách của Thừa Thiên Huế được đề xuất áp dụng chưa khác biệt so với các địa phương khác, chưa có cơ chế mới, tương thích với đặc thù của một địa phương có lịch sử, văn hóa riêng biệt. Đồng thời, dự thảo Nghị quyết chưa có nội dung đặc thù về tiêu chí xếp hạng đô thị để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như quy định tại Nghị quyết 54. Để bảo đảm tính bao quát, các ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù về ưu đãi đầu tư, thủ tục hành chính... để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với đề xuất thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế và đề nghị quy định rõ trong Nghị quyết: Quỹ bảo tồn di sản Huế chỉ dùng để đầu tư thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế; chỉ đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được NSNN đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ. Đồng thời, giao Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng Quỹ này.

Cũng tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Thành phố Hải Phòng cũng đã giải trình làm rõ một số nội dung các đại biểu quan tâm.
                
   

UBTVQH biểu quyết thống nhất bổ sung 3 Nghị quyết vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021. Ảnh: quochoi.vn

   

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH tán thành sự cần thiết ban hành các Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, Thành phố Hải Phòng và tỉnh Nghệ An; thống nhất hồ sợ dự thảo các Nghị quyết đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2; đồng thời nhất trí trình Quốc hội cho phép 3 địa phương được thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù.

Tại phiên họp, với 100% Ủy viên UBTVQH tán thành, UBTVQH đã biểu quyết thống nhất bổ sung 3 Nghị quyết này vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021./.
Đ. KHOA