Tập trung hoàn thiện Chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới

Chính trị - Ngày đăng : 08:35, 03/10/2021

(BKTO) - Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2021 vừa diễn ra chiều tối nay, 02/10.


                
   

Toàn cảnh Họp báo - Ảnh: Hồng Nhung

   

Dịch được kiểm soát tốt hơn nhưng tốc độ tăng trưởng quý III giảm sâu

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo địa phương thống nhất đánh giá, đến nay, tình hình dịch được kiểm soát tốt hơn trên phạm vi toàn quốc. Tại tâm dịch ở TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tỷ lệ nhiễm và tử vong giảm sâu. An sinh xã hội, đời sống nhân dân ở những nơi thực hiện giãn cách cơ bản được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Từ yêu cầu thực tiễn về công tác phòng chống dịch và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ và các địa phương nhận định, chúng ta có đủ cơ sở để chuyển hướng chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhằm thực hiện từng bước việc mở cửa trở lại nền kinh tế, bảo đảm hài hòa giữa mở cửa và an toàn dịch bệnh.

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh hiện nay, chỉ có sự lựa chọn tối ưu, không có sự lựa chọn hoàn hảo, phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Chúng ta có lộ trình mở cửa nhưng phải bảo đảm an toàn. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người lao động ở các thành phố lớn sớm ổn định cuộc sống, không di chuyển tự phát.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo nhiều địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các tiêu chí, giải pháp để sớm ban hành một Hướng dẫn tạm thời, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay về công tác phòng chống dịch.

Về tình hình kinh tế xã hội, Chính phủ thống nhất nhận định, do tác động của dịch bệnh, tốc độ tăng trưởng quý III giảm sâu, kéo tăng trưởng 9 tháng chỉ đạt 1,42% nhưng nền kinh tế vẫn có những điểm sáng. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Sản xuất khu vực nông nghiệp vẫn là điểm sáng, giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; an ninh lương thực, thực phẩm được đảm bảo.

Trên 70% DN công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh quý IV. Vốn FDI đăng ký 9 tháng ước đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4%, trong đó, số các dự án quy mô lớn tăng mạnh. An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm trong điều kiện dịch bệnh. Đã có trên 18 triệu người được hỗ trợ với gần 15.000 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để xử lý, khắc phục. Trong đó, nổi lên là: Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, chi phí tăng cao, một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy cục bộ; nguy cơ nợ xấu gia tăng; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Việc làm, sinh kế, đời sống một bộ phận người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...

Chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế

Theo Người phát ngôn của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phục hồi sản xuất, kinh doanh và thực hiện chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”; nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Vì vậy, các cấp, các ngành phải quán triệt và thực hiện nghiêm, thống nhất quan điểm để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó cần tập trung xây dựng, hoàn thiện Chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới đồng bộ với Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông, lưu thông hàng hóa, du lịch, giáo dục đào tạo... theo lộ trình từng bước.

Phối hợp linh hoạt chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, tạo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát tốt lạm phát, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Có chính sách kích thích nền kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng.

Bảo đảm lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân thông suốt nội tỉnh và liên tỉnh, không để ách tắc, không để mỗi địa phương một kiểu; hướng dẫn công khai, rõ về các yêu cầu trong bảo đảm an toàn chống dịch và thống nhất trên toàn quốc để các địa phương thực hiện, từng DN, người dân dễ dàng tra cứu và tuân thủ.

Triển khai các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất...; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN để giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, nỗ lực giành đơn hàng cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm ở châu Âu, Bắc Mỹ, nhất là các ngành hàng chủ lực (dệt may, da giày…). Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do để có giải pháp phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, thúc đẩy xuất khẩu.

Bảo đảm an sinh xã hội, an dân, ổn định chính trị, xã hội; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Có giải pháp bảo đảm lao động, sẵn sàng đưa người lao động trở lại làm việc để khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh...

Tại Họp báo, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo về nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm hiện nay như: giá các loại kít xét nghiệm, kế hoạch phân bổ vaccine mũi 2 cho Hà Nội và các địa phương, hướng dẫn tiêm vaccine cho trẻ em dưới 18 tuổi, các kịch bản phát triển kinh tế 3 tháng cuối năm…/.
Tin và ảnh: HỒNG NHUNG