Tháng 8: Việt Nam nhận hơn 16 triệu liều vắc xin phòng Covid-19

Đối nội - Ngày đăng : 21:05, 09/09/2021

(BKTO) - Trong tháng 8, số lượng vắc xin phòng Covid-19 mà Việt Nam đã nhận được là hơn 16 triệu liều, nâng tổng số vắc xin phòng Covid-19 đến nay ta đã nhận được lên khoảng 33 triệu liều.


Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp lần thứ hai của Tổ Công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Tổ trưởng Tổ Công tác chủ trì, diễn ra ngày 08/9.
                
   

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Cuộc họp. Ảnh: BNG

   

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ - Tổ phó Thường trực Tổ Công tác cho biết, trong thời gian ngắn vừa qua, Tổ Công tác đã kịp thời tham mưu, kiến nghị và tổ chức triển khai mạnh các hoạt động ngoại giao vắc xin, đặc biệt là vận động cấp cao và đã đem lại những kết quả bước đầu tích cực. Theo đó, trong tháng 8, số lượng vắc xin mà Việt Nam đã nhận được tăng đáng kể, với hơn 16 triệu liều.

Việt Nam cũng đã tiếp cận và nhập khẩu một số loại thuốc điều trị hiệu quả từ Nhật Bản, Ấn Độ, Thụy Sỹ…; tiếp nhận nhiều trang thiết bị y tế thiết yếu như máy thở, máy tạo ôxy, ôxy lỏng, máy xét nghiệm PCR, bộ kit xét nghiệm, khẩu trang y tế,… trị giá hàng chục triệu USD từ sự hỗ trợ của hơn 20 đối tác, các tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác cho biết thêm, với những nỗ lực đã triển khai đến nay, dự kiến trong tháng 9, chúng ta có thể nhận thêm khoảng 16 - 17 triệu liều vắc xin, đồng thời cần tiếp tục cố gắng để có thể đạt số lượng vắc xin chuyển về nhiều hơn.

Về hướng vận động, triển khai ngoại giao vắc xin trong thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết tiếp tục đẩy mạnh vận động ở các cấp, đặc biệt là cấp cao, trong các khuôn khổ song phương và đa phương; đồng thời liên tục rà soát; đôn đốc các hãng sản xuất vắc xin đẩy nhanh tiến độ cung cấp vắc xin cho Việt Nam; vận động các đối tác có khả năng dôi dư nhượng lại hoặc cho vay vắc xin.

Bộ trưởng cũng chỉ đạo Tổ Công tác cần tìm hiểu các loại vắc xin mới và tiềm năng đang được phát triển để sớm tiếp cận; đề xuất các biện pháp cụ thể để thúc đẩy hợp tác công nghệ sản xuất vắc xin và hỗ trợ tối đa phát triển vắc xin trong nước, tiến tới tự chủ về vắc xin; nghiên cứu, xúc tiến ngay kế hoạch tiếp cận và vận động vắc xin cho năm 2022. Đồng thờicần tiếp cận mạnh hơn thuốc đặc trị Covid-19, tiếp tục vận động các đối tác, các tổ chức quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài hỗ trợ công tác phòng chống dịch của Việt Nam./.
DIỆU THIỆN