Quỹ Bảo trì đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu

Kinh tế - Ngày đăng : 09:05, 09/10/2017

(BKTO) - Kể từ khi ra đời vào năm 2013 đến nay, Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương đã tăng đều hằng năm nhờ lượng phương tiện tăng mạnh. Tuy nhiên, sau gần 5 năm hoạt động, nguồn Quỹ này mới chỉ đáp ứng được trung bình gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ.


Quỹ tăng nhưng chưa đủ để bảo trì đường bộ

Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương Lê Hoàng Minh cho biết, nếu năm 2013, Quỹ BTĐB Trung ương thu hơn 5.500 tỷ đồng thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên trên 6.300 tỷ đồng. Dự kiến, năm 2017, Quỹ này sẽ thu được hơn 7.000 tỷ đồng. Trong 5 năm hoạt động, tổng nguồn Quỹ BTĐB đạt con số khổng lồ, hơn 43.000 tỷ đồng; trong đó, NSNN cũng cấp bổ sung hơn 14.000 tỷ đồng.

Với nguồn kinh phí trên, cơ quan chức năng đã xử lý được hơn 1.000 cầu, 614 điểm đen, mất an toàn giao thông; bổ sung, thay thế hơn 13.200 biển báo hiệu đường bộ; sửa chữa, xây dựng hơn 1.100.000 hộ lan, tường chắn và trên 76.806 m2 đường cùng gia cố lề; mở rộng hàng nghìn km mặt đường...

Mặc dù vậy, đại diện của Quỹ BTĐB và Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) vẫn cho rằng, Quỹ BTĐB chưa đáp ứng được nhu cầu sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường. Theo ông Lê Hoàng Minh, 5 năm qua, Quỹ BTĐB đã phân chia về các quỹ địa phương trên 10.000 tỷ đồng để bảo trì hệ thống đường địa phương, song theo ghi nhận, số tiền này mới chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% nhu cầu thực tế.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện dẫn chứng thêm, hệ thống quốc lộ có 14.586 km đường bê tông nhựa, 6.585 km đường láng nhựa. Theo tính toán, mỗi năm, khoảng 5.112 km mặt đường cần được sửa chữa định kỳ. Nhưng hiện nay, chúng ta mới sửa chữa định kỳ bình quân được 2.194 km/năm, chỉ đáp ứng 43% nhu cầu thực tế. Mặt khác, mỗi năm, nguồn kinh phí mà Sở GTVT các tỉnh nhận được để bảo trì các tuyến đường tỉnh lộ vẫn còn khiêm tốn. Số tiền này chủ yếu là để thực hiện công tác bảo dưỡng thường xuyên và sửa chữa đột xuất khi có sự cố hư hỏng xảy ra, không đủ cho công tác sửa chữa định kỳ theo định mức và quy trình.

Tình trạng thiếu vốn BTĐB cũng được nhiều địa phương phản ánh. Đơn cử, tại TP. HCM, Quỹ BTĐB Trung ương đã bàn giao cho địa phương này là 683,4 tỷ đồng, tương đương 13,9% tổng vốn thu để BTĐB trên địa bàn. Với số tiền này, TP. HCM chỉ thực hiện duy tu, bảo trì được 180 công trình đường bộ. Trong khi đó, địa phương đang quản lý 4.400 km đường, cùng 1.196 cây cầu, 841 chốt đèn tín hiệu giao thông. Nguồn tài chính này chỉ đáp ứng 30% nhu cầu. Hay tại Sơn La, mỗi năm, tỉnh này chỉ được phân bổ khoảng 30 tỷ đồng để bảo trì cho toàn bộ hệ thống cầu, đường, đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Do nguồn vốn dành cho việc BTĐB bị thiếu hụt nên nhiều tuyến đường không được sửa chữa kịp thời, dẫn đến bị xuống cấp nghiêm trọng.

Phấn đấu đảm bảo cân đối Quỹ

Tại Hội nghị Tổng kết và đánh giá 5 năm hoạt động của Quỹ BTĐB Trung ương (giai đoạn 2013-2017) diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa - Chủ tịch Hội đồng Quỹ BTĐB Trung ương - cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong hoạt động của Quỹ BTĐB.

Cụ thể, nguồn vốn tuy đã tăng lên và ổn định qua từng năm nhưng vẫn còn thiếu so với nhu cầu, nên công tác bảo trì đường bộ chưa đạt được kết quả như mong muốn. Từ đó, ông Nghĩa đề nghị các cơ quan Trung ương cần rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đồng thời nghiên cứu kỹ Đề án xây dựng Quỹ BTĐB để tham mưu cho Thủ tướng nhằm xây dựng cơ chế hoạt động ổn định cho Quỹ BTĐB theo đúng mục đích, tôn chỉ.

Để công tác quản lý Quỹ BTĐB hiệu quả hơn, ông Lê Hoàng Minh cam kết, Hội đồng Quỹ BTĐB sẽ báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi các quy định liên quan, bảo đảm tính chủ động và kịp thời trong công tác BTĐB. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra và phối hợp với các cơ quan thanh tra chuyên ngành, KTNN giám sát chặt chẽ hoạt động của Quỹ.

Ngoài ra, giai đoạn 2017-2022, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách, mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu về vốn và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho công tác bảo trì hệ thống kết cấu giao thông đường bộ tiếp tục là nhiệm vụ then chốt. Vì vậy, Hội đồng Quỹ BTĐB Trung ương sẽ tập trung xây dựng Đề án tăng nguồn thu cho Quỹ (ngoài nguồn thu phí sử dụng đường bộ và nguồn ngân sách cấp bổ sung), phấn đấu đến sau giai đoạn 2017-2022 NSNN sẽ không phải cấp bổ sung cho Quỹ BTĐB và Quỹ sẽ chủ động tự cân đối trong công tác bảo trì hệ thống kết cấu đường bộ.

LÊ HÒA
Theo Tuần Báo ra ngày 05-10-2017