Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) còn nhiều bất cập

Đầu tư - Ngày đăng : 14:05, 03/10/2017

(BKTO) - Theo dự kiến, Luật Thủy sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, hiện nay, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm bất cập cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo điều kiện cho DN trong việc tiếp cận chính sách, khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh.


Điều kiện kinh doanhchồng chéo, thiếu minh bạch

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Dự thảo Luật Thuỷ sản (sửa đổi) hiện vẫn có quá nhiều điều kiện kinh doanh thiếu sự rõ ràng, minh bạch. Điển hình như việc quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị phải “phù hợp”. Quy định như vậy sẽ nảy sinh vướng mắc trong quá trình thực thi, bởi cơ quan nhà nước và DN không có cơ sở khách quan để xác định thế nào là “phù hợp”, từ đó dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, gây khó cho DN, ngư dân. Ngoài ra, Dự thảo Luật còn nhiều quy định chồng chéo như: các điều kiện về bảo vệ môi trường, bảo quản, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ… Những điều kiện này đã được quản lý bằng các quy định pháp luật chuyên ngành khác và áp dụng đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh chứ không chỉ riêng thuỷ sản.

Bên cạnh đó, theo TS. Đặng Quang Vinh (Viện Nghiên cứu - Quản lý kinh tế T.Ư), một số điều kiện kinh doanh trong Dự thảo Luật chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nhiều điều luật vẫn thể hiện tư duy quản lý cũ, đặt điều kiện kinh doanh rồi bắt DN chứng minh đáp ứng điều kiện, sau đó cấp giấy phép. Việc này vẫn là quản lý trên giấy tờ, chưa phải trên hệ thống công nghệ thông tin. Ngư dân cầm tờ giấy đó đi biển, gặp nắng mưa, bão tố sẽ bị rách nát.

Lúc đó, họ lại phải đi làm thủ tục, cấp lại giấy từ đầu dù mọi thông tin về DN, ngư dân đều được lưu trên hệ thống máy tính. Điều này không đáp ứng được tiêu chí tạo chi phí thấp nhất cho người sản xuất - kinh doanh. Do đó, ông Vinh đề xuất, việc quản lý các DN thủy sản nên thay đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, để DN tự kiểm soát, tự công bố, đánh giá chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc sửa đổi Luật phải tạo điều kiện cho DN trong việc tiếp cận chính sách và khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh. Thay vì quản lý dựa trên giấy tờ thì chúng ta nên quản lý bằng công nghệ thông tin.

Đánh giá về Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Thắng (Công ty Luật LBLaw) nêu rõ, Khoản 1, Điều 72 của Dự thảo Luật quy định về điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá và giao Chính phủ quy định chi tiết. Quy định này nhằm mục đích bảo đảm về chất lượng và an toàn tàu cá. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc kỹ hơn về sự cần thiết của các điều kiện, bởi tất cả các tàu cá được đóng mới hoặc cải hoán đều sẽ được đăng kiểm trước khi đưa vào khai thác thực tế. Như vậy, chất lượng và an toàn tàu cá đã được bảo đảm bằng một biện pháp chặt chẽ và không cần thiết phải tăng cường bằng việc quy định điều kiện cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá. Mặt khác, việc quy định “cứng” các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu phải có từng loại máy móc cụ thể được liệt kê sẽ làm giảm sự linh hoạt của thị trường.

Luật sửa đổi phải phù hợpvới thực tế

Tại Hội thảo "Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Luật Thuỷ sản" do VCCI phối hợp với Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Nghề cá Việt Nam kiến nghị: Điều kiện đầu tư kinh doanh trong Dự thảo Luật cần nêu rõ ràng hơn. Nếu Dự thảo Luật quy định không rõ ràng thì nhiều DN không đủ điều kiện cũng có thể đầu tư kinh doanh, đưa chế phẩm vào thị trường, gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí làm ảnh hưởng trực tiếp tới hàng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngành Thủy sản đang đứng trước nhiều áp lực như: cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, công tác bảo tồn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Luật sửa đổi cần quy định rõ ràng về điều kiện đầu tư kinh doanh thế nào là “phù hợp”, thế nào là “đủ”; quy định rõ đâu là điều kiện về bảo quản, mua bán, nhập khẩu... Đặc biệt, điều tra nguồn lợi thủy sản phải có công bố con số chính xác, ngư dân được khai thác ở ngư trường nào, để không dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) Phan Thị Huệ khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu và nghiên cứu các ý kiến góp ý để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, bảo đảm tính khách quan, khả thi và phù hợp khi áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, đối với điều kiện sản xuất kinh doanh, Luật Thủy sản không thể đưa ra cụ thể. Luật chỉ đưa ra điều kiện cơ bản cần phải có, còn chi tiết như thế nào chỉ có thể nằm trong văn bản cấp Chính phủ.

LÊ HÒA
Theo Tuần Báo ra ngày 28-9-2017