Đầu tư cho thể dục, thể thao: Không để vận động viên sống… “thoi thóp”!

Xã hội - Ngày đăng : 15:00, 25/09/2017

(BKTO) - Cùng với việc chú trọng đầu tư vào các môn thể thao trọng điểm, yêu cầu cải thiện, nâng cao chế độ, chính sách cho các vận động viên (VĐV) là 2 trong số những nội dung đáng quan tâm tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao (TDTT).


Tín hiệu tích cực cho các VĐV

Kết thúc SEA Games 29, các VĐV Việt Nam giành 58 Huy chương Vàng, 50 Huy chương Bạc và 60 Huy chương Đồng, đứng thứ ba chung cuộc.

Thành tích này có thể nói là không quá tệ của Đoàn thể thao Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này đang khó khăn. Hơn 60 VĐV được đầu tư trọng điểm cũng là những nhân tố đã góp phần mang lại thành công vừa qua cho đoàn thể thao nước nhà, trong số đó phải kể đến những cái tên, như: Nguyễn Thị Ánh Viên, Lê Thanh Tùng, Lê Tú Chinh, Dương Thúy Vi…

Để chuẩn bị cho giải thể thao khu vực, ngay từ đầu năm 2017, ngành TDTT đã công bố danh sách 64 tuyển thủ ưu tú của 20 môn thế mạnh được đầu tư trọng điểm năm 2017 với nguồn kinh phí lên tới 20 tỷ đồng.

Dù mới chỉ giải quyết được phần “ngọn” của quy trình đào tạo tài năng, nhưng trong điều kiện của thể thao Việt Nam, đó đã là một bước tiến rất dài sau rất nhiều năm việc đầu tư cho VĐV bị cào bằng, không có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài cải thiện thu nhập, các VĐV này cũng được đảm bảo điều kiện cơ bản để chăm lo phát triển khả năng, sức vươn một cách tốt nhất có thể, gắn với thực tế của thể thao Việt Nam.

Việc có được bản danh sách các VĐV xuất sắc hưởng chế độ đặc thù là một quyết tâm và nỗ lực lớn của ngành Thể thao, trong sự bó buộc về nhiều mặt, đặc biệt là kinh phí. Thế nhưng chính “dự án” này cũng đang có nhiều vấn đề đặt ra. Như thừa nhận của Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, việc đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam cho 64 gương mặt được coi là xuất sắc vừa qua vẫn ở mức “thấp, thiếu và chưa đồng bộ”, cần phải xem xét điều chỉnh nhiều về cách thức chọn lựa, giải pháp trong thời gian tới.

Cũng theo ông Phấn, hiện Tổng cục đang xây dựng danh sách các VĐV đầu tư trọng điểm với khoảng 90-100 VĐV cho năm 2018. Danh sách này dự kiến sẽ được phê duyệt trong tháng 10 tới đây.

Cần sự quan tâm đúng mực hơn...

Những năm gần đây, đời sống của các VĐV đã được quan tâm hơn, nhưng để duy trì thành tích Top đầu khu vực và có thứ hạng cao ở châu Á, đời sống VĐV Việt Nam cần phải được cải thiện hơn nữa.

“Ngoài việc đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào các môn thể thao tiềm năng và đội ngũ VĐV xuất sắc, chế độ lương bổng, chính sách cho các VĐV nói chung cần phải được nâng lên” - ông Nguyễn Trọng Hổ - Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) nói.

Theo ông Hổ, hiện chế độ của VĐV rất thấp. Đối với VĐV đội tuyển quốc gia, tiền công từ 120-150 nghìn đồng/ngày. Mức tiền này bao năm nay không “xê dịch” trong khi mọi thứ trượt giá rất nhiều. Tuy nhiên, do chế độ tiền lương, thưởng phải tuân thủ theo quy định, nên ngành TDTT dù muốn cũng không thể tự ý thay đổi.

Ông Cấn Văn Nghĩa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam - cho biết: “Chính sách dành riêng cho VĐV gặp tai nạn nghề nghiệp, hoặc sau khi giải nghệ cũng chưa có”. Cũng theo ông Nghĩa, có những VĐV phải đánh đổi con đường học vấn để theo đuổi đam mê thể thao, nhưng tuổi thọ nghề, cộng với chế độ ưu đãi cho VĐV hiện nay chưa tương xứng, cuộc sống sau giải nghệ của VĐV càng khó khăn, chật vật.

Trên thực tế, chưa có địa phương nào làm tốt công tác chăm lo đời sống cho VĐV. Hầu hết các địa phương đều đầu tư theo hướng “ăn xổi” và dàn trải. Môn nào thiếu huy chương thì kích thích môn đó mà không có một chiến lược dài hạn. Thậm chí, ngay như TP. Hà Nội, dù ngân sách không thiếu nhưng tiền lương, tiền thưởng của VĐV vẫn thấp.

Liên quan đến vấn đề đầu tư cho hoạt động TDTT, tại phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, trong đó có nội dung bàn về chính sách hỗ trợ cho các VĐV.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện dẫn tờ trình cho biết, hiện nay có một số ít VĐV trong quá trình tập luyện và thi đấu không may bị tai nạn mất khả năng lao động… nhưng bản thân và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn. Do đó, Dự thảo Luật cần quy định các VĐV có thành tích xuất sắc không may bị tai nạn thì VĐV hoặc thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp như các đối tượng chính sách khác.

Cho ý kiến về Dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Dự án Luật nên sửa đổi, tập trung vào thúc đẩy 2 mảng chính là thể thao thành tích cao và thể thao quần chúng. Về thành tích cao, nên hướng đến đầu tư tập trung có trọng tâm, trọng điểm cho các môn thể thao thuộc danh mục thi Olympic, không nên đầu tư dàn trải.

Đồng thời, việc sửa đổi cũng cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách phát triển hệ thống các huấn huyện viên; có cơ chế, chính sách thỏa đáng trong chăm lo cho các VĐV, nhất là những VĐV có nhiều thành tích bởi trong sự nghiệp TDTT, họ đã đổ rất nhiều mồ hôi, thậm chí họ còn phải hy sinh cả hạnh phúc cá nhân của mình vì màu cờ, sắc áo Tổ quốc.

NGUYỄN LỘC
Theo tuần báo số ra ngày 21/9/2017