Tổ chức lại nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông

Đối nội - Ngày đăng : 09:05, 09/08/2017

(BKTO) - Sáng 8/8, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội PhùngQuốc Hiển đã có cuộc làm việc với Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về Chiến lược phát triểnngành giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và tìnhhình triển khai một số dự án quan trọng quốc gia.



Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: quochoi.vn

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, trong quá trình thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển ngành giao thông năm 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, khó khăn lớn nhất là nguồn lực từ NSNN được phân bổ quá thấp so với nhu cầu, không đủ điều kiện để thực hiện các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra. Trong khi đó, việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 tiếp theo để thực hiện Chiến lược phát triển giao thông vận tải phụ thuộc vào kết quả thực hiện kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án quan trọng quốc gia như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao; dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Bộ kiến nghị Quốc hội bổ sung nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có và thực hiện đầu tư phát triển cơ bản đáp ứng một số mục tiêu lớn theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW của Đảng và Chiến lược phát triển giao thông.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, bên cạnh những kết quả ấn tượng, ngành giao thông vận tải còn một số hạn chế. Do đó, Bộ cần xem xét Chiến lược phát triển ngành giao thông từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã hợp lý chưa? Chiến lược đã phù hợp với bối cảnh tình hình thực tế, điều kiện tự nhiên, nền tảng phát triển cũng như xu thế phát triển của đất nước, của thời đại chưa?

Trong công tác quy hoạch, cần rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp; tổ chức lại nguồn lực, phân kỳ đầu tư hợp lý nhằm thực hiện chiến lược, trong đó nguồn lực từ NSNN là nòng cốt, vốn ngân sách chỉ là vốn “mồi”, từ đó có phương án kêu gọi huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân; đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật một cách hợp lý và cương quyết hơn trong phát triển ngành giao thông. Đổi mới phương thức quản lý, kể cả quản lý nhà nước và quản lý của DN, nhằm giảm các chi phí phi truyền thống, lãng phí, tiêu cực và hạ giá thành xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như các phí, giá dịch vụ...

Đ. KHOA