Gia tăng cháy nổ mùa nóng, người dân cần cảnh giác, chủ động phương án đề phòng "giặc lửa"

Xã hội - Ngày đăng : 17:21, 16/06/2021

(BKTO) - Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức, hiểu biết và trách nhiệm trong công tác phòng, chống cháy nổ, đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân, gia đình và vì an toàn chung cho cộng đồng.


Cháy nổ gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản

Từ đầu năm tới nay, đặc biệt là trong mùa nắng nóng, cả nước liên tiếp xảy ra những vụ cháy thương tâm, thiệt hại lớn về người và tài sản. Điển hình như tại TP. Hà Nội, đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4/4/2021 đã xảy ra vụ cháy lớn tại căn nhà số 311 đường Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa) khiến 4 người trong nhà đều tử vong. Tiếp đó, chiều ngày 7/5, tại ngôi nhà 3 tầng trong hẻm 47 đường Lạc Long Quân, quận 11, TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra cháy nghiêm trọng khiến 8 người tử vong. Mới đây nhất là vụ cháy xảy ra tại căn nhà số 146 đường Đinh Công Tráng, phường Lê Mao, TP. Vinh (tỉnh Nghệ An) làm 6 nạn nhân tử vong bên trong, toàn bộ tài sản bị thiêu rụi...Điểm chung của các vụ cháy vừa qua, đó là nguyên nhân gây cháy chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện; do sơ xuất bất cẩn khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt của người dân.

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), tình hình cháy nổ trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, do tình hình đô thị hóa nhanh, hình thành các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp...Bên cạnh trường hợp nhà ở riêng lẻ, hiện nay, với sự hiện diện của hàng loạt chung cư cao tầng, trung tâm thương mại tại các thành phố lớn cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, với tính chất, hậu quả nghiêm trọng nếu xảy ra. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với các lực lượng PCCC.
                
   

Các công trình, tòa nhà phải đảm bảo các điều kiện PCCC để kịp thời ứng phó khi cháy nổ xảy ra

   
         
Tháng 5/2021, toàn quốc xảy ra 450 vụ cháy và sự cố cháy làm chết 14 người, bị thương 26 người; thiệt hại tài sản ước tính 28,9 tỷ đồng. So với tháng 4/2021, số vụ cháy tăng 52 vụ; số người chết tăng 10 người; thiệt hại về tài sản giảm 47,74 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2020, số vụ cháy giảm 34 vụ, giảm 16,19%; số người chết tăng 8 người, tăng 133%; số người bị thương tăng 13 người, tăng 100%; thiệt hại về tài sản giảm 39,06 tỷ đồng, tương đương 57,47%.


Nâng cao ý thức, trách nhiệm để phòng ngừa nguy cơ cháy nổ

Qua đánh giá tình hình cháy nổ, xác định nguyên nhân dẫn đến cháy nổ vừa qua,Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho rằng, ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa cháy nổ, cũng như kỹ năng xử lý khi đối diện với cháy nổ chưa cao. Công tác quản lý nhà nước về PCCC ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, hiệu lực và hiệu quả chưa cao.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công an đã có nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, trong đó xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền, cơ quan, đơn vị khi để xảy ra cháy, nổ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi quản lý của mình; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với công tác PCCC, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết đình chỉ các cơ sở vi phạm hoạt động nếu không bảo đảm an toàn PCCC, vi phạm nghiêm trọng thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mới đây nhất, Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ vừa có Văn bản khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC. Trong đó, các gia đình, cơ quan phải thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện; không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm; không tùy tiện câu, móc, đấu nối dây điện; đảm bảo vị trí thoát hiểm trong nhà và các trang, thiết bị hỗ trợ PCCC luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động, khi có sự cố cháy nổ...

Các tổ chức, DN, cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên thực hiện các nội quy bảo đảm an toàn PCCC trong cơ quan, DN. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra an toàn PCCC trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót về PCCC; xây dựng, thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với nhiều tình huống giả định để chủ động xử lý khi có cháy, nổ.
                
   

Lực lượng cảnh sát PCCC kiểm tra khu vực thoát hiểm tại một chung cư cao tầng trên địa bàn quận Hà Đông (TP. Hà Nội)

   

Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo: Khi có cháy, nổ, tai nạn, người dân cần lập tức gọi 114 để lực lượng PCCC hỗ trợ kịp thời, giúp giảm bớt thương vong, thiệt hại.

Theo Luật sư Nguyễn Đức Anh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), thời gian qua, một số trường hợp thiếu trách nhiệm dẫn đến cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng đã bị pháp luật xử lý nghiêm khắc, có trường hợp bị khởi tố... song số trường hợp vi phạm bị xử lý chưa tương xứng, dẫn đến chưa tạo được chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của người dân, cơ quan chức năng các cấp về PCCC. Do đó, cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, kiên quyết yêu cầu các cá nhân, tổ chức phải tuân thủ quy định PCCC; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống cháy nổ sẽ không thể hiệu quả, nếu người dân, tổ chức còn thờ ơ. Do đó, mỗi cá nhân cần nhận thức rõ việc thực hiện tốt các quy định về PCCC chính là để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân, gia đình và xã hội, để có hành động đúng đắn, kịp thời nhằm ngăn chặn "giặc lửa".

Tin và ảnh: NGUYỄN LỘC