Nghiêm cấm việc thuê, mượn tài khoản để tiếp nhận vốn viện trợ nước ngoài

Đối nội - Ngày đăng : 16:25, 10/06/2021

(BKTO) - Dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu NSNN (Thông tư) đang được Bộ Tài chính xây dựng quy định 5 nguyên tắc trong quản lý tài chính đối với vốn viện trợ nước ngoài.


                
   

Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của chủ dự án, cơ quan chủ quản trong tiếp nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn viện trợ

   

Một là, viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách phải được lập dự toán, hạch toán và quyết toán NSNN theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn liên quan theo phân cấp quản lý ngân sách như sau:

Bộ Tài chính thực hiện quản lý thu - chi ngân sách trung ương đối với các nguồn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương. Sở tài chính, kho bạc nhà nước tại địa phương thực hiện quản lý thu - chi ngân sách địa phương đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách địa phương đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương ghi chi bổ sung có mục tiêu cho địa phương.

Hai là, bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của chủ dự án, cơ quan chủ quản trong tiếp nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn viện trợ.

Ba là, nghiêm cấm việc dùng tài khoản cá nhân, thuê mượn hoặc nhờ tài khoản của cơ quan, đơn vị khác để tiếp nhận nguồn vốn viện trợ nước ngoài tài trợ cho các dự án.

Bốn là, các khoản viện trợ theo hình thức phía Việt Nam trực tiếp quản lý điều hành được kiểm soát chi qua hệ thống kho bạc nhà nước.

Năm là, các chủ khoản viện trợ chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn viện trợ theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận, viện trợ đã ký kết.

Trong trường hợp các quy định hoặc điều kiện viện trợ của nhà tài trợ khác với quy định của pháp luật Việt Nam, phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp các quy định, điều kiện viện trợ được quy định trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc là thành viên thì việc thực hiện tuân thủ theo quy định tại Điều ước quốc tế.

Dự thảo Thông tư quy định có 3 loại kế hoạch: kế hoạch dự toán thu - chi viện trợ hằng năm; kế hoạch tài chính vốn viện trợ giai đoạn 3 năm; kế hoạch tài chính vốn viện trợ giai đoạn 5 năm. Trong đó, việc lập dự toán thu chi vốn viện trợ hằng năm phải đảm bảo nguyên tắc các khoản viện trợ chỉ được tổng hợp vào dự toán thu - chi vốn viện trợ hằng năm khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt tiếp nhận (Quyết định phê chủ trương đầu tư/Quyết định chủ trương thực hiện/Quyết định phê duyệt văn kiện dự án/phi dự án).

Về điều chỉnh, bổ sung dự toán thu - chi vốn viện trợ hằng năm, Dự thảo Thông tư quy định, trường hợp phát sinh các chương trình/dự án/phi dự án mới trong năm làm vượt tổng mức dự toán vốn viện trợ được giao ban đầu cho các cơ quan chủ quản thì cơ quan chủ quản tổng hợp nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn hằng năm gửi Bộ Tài chính đối với vốn viện trợ chi thường xuyên và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với vốn viện trợ chi đầu tư phát triển để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công…

Dự thảo Nghị định cũng quy định về kiểm soát chi đối với vốn viện trợ bằng tiền, giải ngân và thanh toán vốn viện trợ bằng tiền…/.

THÙY ANH