Chấn chỉnh công tác mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế

Xã hội - Ngày đăng : 09:20, 24/07/2017

(BKTO) - Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV vừa qua, vấn đề quản lý mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế đã trở thành đề tài “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận và của đại biểu Quốc hội, khi KTNN chỉ ra những tồn tại trong công tác quản lý, mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế. Nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế nhằm làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của ngành cũng như có các giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh những tồn tại, bất cập này.


Mua sắm chưa phù hợp nhu cầu sử dụng

Một trong những bất cập nổi lên qua báo cáo của KTNN là Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hằng năm. Một số đơn vị sử dụng trang thiết bị y tế kém hiệu quả do xác định nhu cầu mua sắm chưa phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Một số đơn vị có thiết bị chưa hết thời gian tính hao mòn nhưng đã bị hỏng, không sử dụng được, thậm chí nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Ngay sau khi báo cáo của KTNN được công bố, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan. Tiếp đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại Kỳ họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi, tranh luận về trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về kết luận của KTNN, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thẳng thắn thừa nhận có thực trạng này do Việt Nam sử dụng máy công suất quá lớn nên nhanh hỏng. “Một trong những lý do của tình trạng trên là do công suất quá lớn kể cả ở tuyến tỉnh; một số máy đắp chiếu vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì…”- Bộ trưởng cho biết.

Làm rõ nguyên nhân để khắc phục bất cập

Trước diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh những giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý trang thiết bị y tế. Theo Bộ trưởng, quản lý trang thiết bị y tế chi phối bởi rất nhiều luật, nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn. Bộ Y tế đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết và Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2016 về quản lý trang thiết bị, với quy trình mua sắm trang thiết bị tương đối chặt chẽ. Quản lý được phân cấp phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp và các Sở Y tế thực hiện quy trình này theo Luật Đấu thầu và Nghị định về đấu thầu. Trong thời gian tới, Bộ sẽ trình Quốc hội ban hành luật về quản lý trang thiết bị y tế.

Tuy nhiên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho rằng: Thực trạng trang thiết bị mua sắm để đắp chiếu là không chấp nhận được, song Bộ trưởng chưa làm rõ nguyên nhân tại sao lại có tình trạng như vậy và cũng chưa nêu giải pháp để khắc phục việc này. Nếu không làm rõ nguyên nhân thì khó mà xác định đúng giải pháp để khắc phục. “Không thể để những thiết bị đắp chiếu như vậy mà bỏ qua, không làm rõ trách nhiệm và không có hướng để xử lý. Tôi cho rằng rất lãng phí”- đại biểu Hương nói.

Cũng cần nói thêm rằng, đây không phải là lần đầu tiên KTNN phát hiện những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế. Tình trạng lãng phí trong mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế đã được KTNN cảnh báo từ Báo cáo kiểm toán “Đề án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện chuyên khoa lao, tâm thần, ung bướu, chuyên khoa nhi và một số bệnh viện đa khoa tỉnh thuộc vùng miền núi khó khăn sử dụng vốn trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác giai đoạn 2009-2013” (Đề án 930 - kiểm toán năm 2012).

Kết quả kiểm toán chỉ rõ, công tác lập, thẩm định danh mục thiết bị được mua sắm ở một số chủ đầu tư, một số bệnh viện chưa căn cứ vào nhu cầu sử dụng thực tế và cơ sở vật chất hiện có dẫn đến phê duyệt danh mục mua sắm một số thiết bị y tế chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng, phải để lưu kho, chưa có kế hoạch sử dụng. Tại thời điểm kiểm toán, một số bệnh viện thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị y tế nhưng chưa đưa vào sử dụng, để lưu kho do chưa hoàn thành hạng mục xây lắp, nếu không bảo quản tốt sẽ dẫn đến thiết bị hư hỏng, lạc hậu, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã đưa ra kiến nghị Bộ Y tế xây dựng danh mục trang thiết bị y tế chuẩn cho các bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương và tuyến tỉnh làm cơ sở cho các đơn vị triển khai thực hiện; đồng thời có phương án sử dụng thiết bị y tế đã mua nhưng chưa sử dụng để đảm bảo hiệu quả vốn đầu tư.

Rõ ràng, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám, chữa bệnh là cần thiết, song để việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị y tế đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết thực, tránh gây lãng phí NSNN, đã đến lúc ngành Y tế cần sớm có những biện pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn nhằm chấn chỉnh các sai sót, khắc phục triệt để những tồn tại trong thời gian qua.

NGUYÊN HỒNG
Theo tuần Báo ra ngày 13-7-2017