Hạn chế tác động mạnh đến mặt bằng giá cả

Đầu tư - Ngày đăng : 12:30, 05/01/2017

(BKTO) - Diễn biến giá cả thị trường Việt Nam năm 2017 được cácchuyên gia kinh tế dự báo sẽ tiếp tục có những biến động và chịu nhiều sức ép bởicác yếu tố trong nước và quốc tế.


Nhiều sức ép lên mặt bằng giá

Một trong những yếu tố tác động đến thị trường giá cả chính là việc điều chỉnh mức lương. Từ ngày 01/01/2017, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc tại DN đã tăng 6,7 - 7,5%; cùng với đó, mức lương cơ sở cũng sẽ tăng 7,4% (1,3 triệu đồng /tháng) kể từ ngày 01/7.

Đại diện Bộ Tài chính dự báo giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng trong năm 2017. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác có khả năng tác động đến giá cả trong nước như: Xu hướng tăng giá của các loại hàng hóa trên thế giới; biến động mang tính thời điểm về cung - cầu của các mặt hàng thiết yếu do thiên tai, môi trường và thời tiết bất lợi; giá dịch vụ khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) của 31 địa phương còn lại sẽ được điều chỉnh trong năm 2017... Đáng lưu ý, việc tính đúng, tính đủ chi phí của một số dịch vụ không được hỗ trợ từ NSNN theo quy định của Luật Phí và Lệ phí 2015 và Nghị định số 149/2016/NĐ-CP (Nghị định 149) sẽ tác động nhất định lên mặt bằng giá.

Dự báo sẽ có nhiều yếu tố tác động đến giá cả thị trường trong nước năm 2017.Ảnh: TK
Nhìn từ thế giới, ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - quan ngại: Đồng USD mạnh lên sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) điều chỉnh tăng lãi suất vừa qua và dự kiến còn tiếp tục tăng trong năm 2017 sẽ tác động đến giá hàng hóa xuất - nhập khẩu, qua đó ảnh hưởng đến giá hàng hóa trong nước. Thêm nữa, giá các mặt hàng nhiêu liệu, năng lượng và nhiều hàng hóa khác còn bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tuy nhiên, với những áp lực trên, thị trường giá cả trong nước được nhận định tiếp tục có những biến động; đồng thời, việc phấn đấu hoàn thành mục tiêu mà Quốc hội đề ra sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tăng cường quản lý, điều hành giá cả

Để bình ổn giá cả thị trường, nhiều chuyên gia đề xuất, cần tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá thông qua việc tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá được quy định tại Luật phí và Lệ phí năm 2015 và Nghị định số 149 của Chính phủ.

Cụ thể hơn, PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế - cho rằng: Triển khai thực hiện các quy định pháp luật mới trên, đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường từ ngày 01/01/2017 mà Nhà nước không định giá, giá các dịch vụ cần được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với các loại phí được chuyển sang giá do Nhà nước định giá, cần tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện từ ngày 01/01/2017 theo phân cấp của Chính phủ, chú ý kiểm soát hết sức thận trọng, trong đó cần chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ báo cáo kết quả hoạt động, tình hình cân đối thu - chi, đánh giá mức độ bù đắp các chi phí phát sinh để cung ứng dịch vụ từ số tiền thu phí theo mức phí hiện hành nhằm xây dựng phương án giá dịch vụ.

Quản lý, điều hành, bình ổn giá cả chỉ thực sự hiệu quả khi công tác kiểm tra, giám sát được chú trọng. Do đó, đại diện Bộ Tài chính kiến nghị, giám sát chặt chẽ kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát phương án giá và mức giá đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch; hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn NSNN.

Tác động của việc điều chỉnh giá (nếu có) đến tình hình kinh tế - xã hội, CPI của địa phương và cả nước cần được đánh giá kỹ để có phương án, lộ trình điều chỉnh phù hợp, tránh điều chỉnh vào cùng một thời điểm đẩy CPI tăng cao. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giá; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thẩm định giá; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, đối với những mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, điện, dịch vụ sự nghiệp công...), cần tiếp tục quản lý, điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Trường hợp phải điều chỉnh giá (nhất là dịch vụ y tế ngoài BHYT và dịch vụ giáo dục), các Bộ, ngành, địa phương phải đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để hạn chế tác động mạnh đến mặt bằng giá cả thị trường chung- đại diện Bộ Tài chính khuyến nghị thêm.

THÀNH ĐỨC