Nâng cao giá trị gia tăng để xuất khẩu tăng trưởng bền vững

Đầu tư - Ngày đăng : 14:10, 27/04/2017

(BKTO) - Tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức ngày 20/4 vừa qua, các diễn giả, DN đã tập trung trao đổi, thảo luận về những biện pháp đẩy mạnh sản xuất, phát triển thị trường nhằm phát huy năng lực xuất khẩu của DN, cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam trên thương trường thế giới.


Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản liên tục tăng trưởng trong những năm qua.Ảnh: TK

Phải nâng cao giá trị gia tăng

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tương đối khả quan, đạt 176,6 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Cả nước có 24 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, giá trị gia tăng nhiều nhóm ngành hàng như nông sản, thủy sản, điện tử gia dụng, điện tử công nghệ cao... vẫn còn thấp.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết, phát triển xuất khẩu bền vững là vấn đề mà Chính phủ và các Bộ, ngành rất trăn trở. Chúng ta quan tâm đến kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng phải tính đến yếu tố bền vững. Giải pháp đầu tiên là DN xuất khẩu phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dẫn ra một vài số liệu để chỉ rõ vấn đề nội tại của DN Việt Nam là nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và ngành hàng, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhấn mạnh: Tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp điện tử gia dụng mới đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu linh kiện; của ngành ô tô, xe máy khoảng 40% và của ngành điện tử, tin học - viễn thông mới chỉ khoảng 15%... Với kết quả này, chúng ta chưa thể yên lòng với xuất khẩu.

Chủ trì phiên đối thoại với đại diện cơ quan quản lý nhà nước và một số DN xuất khẩu, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nêu quan điểm, DN xuất khẩu muốn nâng cao giá trị gia tăng thì phải đầu tư, thay đổi cách quản trị. Còn đối với Nhà nước, muốn hỗ trợ cho DN xuất khẩu, cần phải có những cách thức phù hợp để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Đề cập rằng cần phải có giải pháp tổng thể và đồng bộ cho xuất khẩu, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - nêu rõ, hiện trong 5 khâu tạo nên chuỗi cung ứng, gồm sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, đổi mới sáng tạo, quản trị thì các Hiệp hội và Cục Xúc tiến thương mại mới chỉ chú trọng vào khâu xúc tiến thương mại mà bỏ quên 4 khâu khác. Do đó, cần có sự điều chỉnh hài hòa trong các khâu tạo nên chuỗi cung ứng để hỗ trợ hoạt động xuất khẩu tốt hơn.

Để nông nghiệp phát huy vai trò chủ lực trong xuất khẩu

Những băn khoăn, trăn trở được nhiều diễn giả chia sẻ tại Diễn đàn đã nghiêng về những khó khăn trong xuất khẩu nông nghiệp. Ông Lại Xuân Môn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - cho biết, trong những năm qua, xuất khẩu hàng hóa nông - lâm - thủy sản của Việt Nam liên tục tăng. Trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa nông - lâm - thủy sản năm 2016 đạt 32,1 tỷ USD, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả của cả nước đạt 2,4 tỷ USD, vượt giá trị xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, thu nhập của người nông dân vẫn thấp, cho nên cần phải tìm và giải quyết được gốc rễ của vấn đề.

Theo khuyến nghị của các chuyên gia, xuất khẩu nông sản là lĩnh vực đáng để Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn cả về chính sách lẫn nguồn lực. Nước ta có thế mạnh của nền nông nghiệp truyền thống, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, khí hậu đa dạng và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Giá trị mặt hàng nông sản gần 100% là do lao động trong nước tạo ra. Xuất khẩu nông sản là xuất khẩu hàng hóa do nước ta làm ra, không phải là gia công, lắp ráp để xuất khẩu hộ cho hàng hóa nguyên liệu của nước khác. Do đó, việc tập trung phát triển nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao sẽ mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - cũng nêu rõ, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam đã có thể tạo ra lượng hàng hóa lớn nhưng tiêu thụ và xuất khẩu lại gặp nhiều khó khăn. Điều đó đòi hỏi xúc tiến thương mại phải vào cuộc tham gia tìm kiếm đầu ra cho hàng hóa nông sản.

Xuất phát từ những đòi hỏi của thực tiễn, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, xúc tiến thương mại trong giai đoạn tới cần tập trung hoạt động chuyên sâu cho từng mặt hàng nông sản. Các tổ chức xúc tiến xuất khẩu nên lựa chọn mỗi giai đoạn tập trung xúc tiến một số mặt hàng nông sản có tiềm năng, đang phát triển mạnh, thực hiện đồng bộ giữa chương trình, kế hoạch sản xuất với phát triển thị trường. Bên cạnh hoạt động tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế quy mô lớn, cần tổ chức các đoàn tham quan, khảo sát các thị trường quốc tế, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu với từng thị trường, từng mặt hàng tiếp cận đến người tiêu dùng, đến khách hàng tiềm năng. Hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu, cả vĩ mô lẫn vi mô nhưng phải bám sát thực tiễn sản xuất và thị trường hàng hóa.

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước về xuất - nhập khẩu, ông Trần Thanh Hải đưa ra quan điểm, tăng sản lượng không phải là phương thức bền vững để phát triển xuất khẩu do tiêu tốn tài nguyên, năng lượng. Năng lực sản xuất rồi sẽ đến ngưỡng, không thể mãi tăng sản lượng, do đó, DN cần phải ưu tiên phát triển sản xuất, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị trong chuỗi cung ứng nhằm mục tiêu giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản.

QUỲNH ANH