Xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở Lào Cai: Hiệu quả từ những cách làm hay

(BKTO) - Tìm đến xã Bản Xèo - một xã vùng cao của huyện Bát Xát - ngày cuối năm, chúng tôi được chứng kiến diện mạo mới của một vùng nông thôn miền núi đang thay da, đổi thịt. Hòa chung không khí sản xuất tất bật, người dân nơi đây cũng đang hối hả chuẩn bị cho việc đón nhận Danh hiệu Xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM (Chương trình).




Đào tạo nghề được coi là giải pháp giúp thoát nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới ở Lào Cai
Đổi thay nhờ nông thôn mới

Cách đây khoảng 5 năm, Bản Xèo vẫn được coi là “vùng đất bỏ quên” của huyện Bát Xát, bởi nơi đây đói nghèo, khó khăn bao trùm khắp làng, bản. Khoảng cách từ thị trấn Bát Xát vào Bản Xèo chỉ chừng 40 cây số, ấy vậy mà khi màn đêm buông xuống, các phương tiện không dám di chuyển. Bởi lẽ, những cung đường ngoằn nghèo, gấp khúc, đầy những “ổ gà, ổ trâu” trong điều kiện không ánh đèn rất dễ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Ấy thế mà nay, Bản Xèo đã mang một diện mạo mới khang trang, đã trở thành xã điểm về NTM của tỉnh Lào Cai. Những con đường đất khói bụi vào mùa khô, trơn trượt vào mùa mưa đã được thay thế bằng đường bê tông sạch đẹp nối liền từ trung tâm xã đến các thôn. Trong đó, có gần 10 km đường trục xã, trên 11 km đường trục thôn, hơn 5 km đường ngõ xóm đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện, vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Cồ Bá Thìn cho biết, Bản Xèo là 1 trong 2 xã điểm được huyện Bát Xát đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM và năm 2018. Sự quyết tâm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nỗ lực của nhân dân trong xã đã được đền đáp xứng đáng, khi đến giữa tháng 12/2018, Bản Xèo đã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Trong đó, tiêu chí về xây dựng đường giao thông được địa phương chú trọng, xuất phát từ điều kiện đường sá tại đây vốn rất khó khăn.

Thành quả này có được là nhờ cách tiếp cận xây dựng NTM theo hướng bền vững. “Kết quả của NTM không phải là phấn đấu đạt danh hiệu, mà phải làm chuyển biến nhận thức, nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người dân” - ông Cổ Bá Thìn nói và cho biết, xã đã tập trung vận động, định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu, đưa cây, con giống mới có giá trị kinh tế, năng suất cao vào sử dụng. Thu nhập bình quân của xã đến thời này đạt mức 31,1 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 7,77%.

Câu chuyện về xây dựng NTM tại xã Bản Xèo chỉ là một trong những điển hình về xây dựng NTM tại các xã vùng cao của tỉnh Lào Cai. Theo Văn phòng Điều phối NTM Lào Cai, tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 44 xã đạt chuẩn NTM. Với tinh thần triển khai nghiêm túc, chủ động và sáng tạo, việc thực hiện Chương trình giai đoạn 2016-2018 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, tỉnh đã đưa ra nguyên tắc thực hiện xây dựng NTM, như: nội dung dễ làm trước, khó làm sau; không đầu tư dàn trải...; thực hiện lồng ghép vốn từ ngân sách địa phương với nguồn vốn Chương trình và vốn do nhân dân đóng góp. Công tác phân bổ vốn được bố trí theo hướng ưu tiên cho các nội dung trọng điểm của địa phương với tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện giai đoạn 2016-2017 đạt trên 3.458 tỷ đồng. Năm 2018, nguồn vốn cho xây dựng NTM đạt trên 1.800 tỷ đồng.

Đào tạo nghề -hướng thoát nghèo bền vững

Thực hiện Chương trình, tỉnh Lào Cai chú trọng đến nhiệm vụ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là gốc rễ để hướng đến giảm nghèo bền vững. Một trong những giải pháp được tỉnh xác định và chú trọng thực hiện là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. “Chỉ có tăng cường đào tạo nghề, giúp người dân có nghề, thì xây dựng NTM mới thực sự thành công và bền vững” - Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Bảo cho biết.

Hiện nay, ngoài trường cao đẳng dạy nghề tỉnh, Lào Cai còn có 42 trung tâm đào tạo cấp huyện, thành phố và các DN. Đây là những đơn vị đã đóng góp đáng kể vào công tác hướng nghiệp dạy nghề cho lao động tại chỗ và công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai Đinh Văn Thơ, nhìn từ thực tế các địa phương trong tỉnh, trước đây, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, thanh niên hiếm khi rời làng, bản thì nay, phần đông sau khi học hết phổ thông trung học đã theo học nghề sửa chữa cơ khí, nghề điện, nấu ăn và các dịch vụ khác. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Bát Xát - một huyện khó khăn của tỉnh, giai đoạn 2016-2018, huyện có gần 3.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề, nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 40,57%, tăng 4,37% so với giai đoạn 2010-2015. Cũng nhờ có đào tạo nghề, nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, từ đó cho ra đời những sản phẩm cho giá trị kinh tế cao, như: gạo Séng Cù, miến đao, rượu Sim San (huyện Bát Xát), rau sạch Sa Pa, chè Bảo Thắng; thịt trâu sấy Bảo Yên...

Con số 75% lao động qua đào tạo được giải quyết việc làm trên toàn tỉnh đã khẳng định việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn gắn với xây dựng NTM những năm qua đã đem lại hiệu quả đáng kể, góp phần giảm áp lực việc làm cho thanh niên nông thôn. Điều quan trọng là thông qua học nghề, người lao động, đặc biệt là lao động trẻ được nâng cao nhận thức, ý thức thoát nghèo, giảm phụ thuộc vào Nhà nước, từ đó tích cực tham gia sản xuất để cải thiện cuộc sống của bản thân, thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 03 ra ngày 17-01-2019
Cùng chuyên mục
  • Tiêu chí xác định xã, thôn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 03/2019-QĐ- TTg về tiêu chí xác định xã, thôn hoàn thành mục tiêu Dự án 2 (Chương trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020.
  • Cần hoàn thiện chính sách cho khoa học công nghệ phát triển
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 21/01, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác ngành KH&CN năm 2019. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải đưa Việt Nam đạt thứ hạng cao về ICT
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Chiều 15/1, phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải là công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam.
  • Ba yếu tố then chốt để cải thiện năng suất lao động
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo thống kê về tình hình năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam vừa được công bố mới đây, điệp khúc NSLĐ tăng đều, nhưng vẫn kém xa so với các nước trong khu vực ASEAN tiếp tục lặp lại. Đã đến lúc cần có sự đột phá để cải thiện tình trạng này, trong bối cảnh ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm rộng thêm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước.
  • Năm 2018: Ngành xây dựng duy trì đà tăng trưởng  ở nhiều lĩnh vực
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2018 được coi là một năm ghi nhận nhiều kết quả tích cực của ngành xây dựng. Trong đó, nổi bật có thể kể đến việc duy trì mức tăng trưởng khá ở một số lĩnh vực, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý đạt được nhiều kết quả quan trọng…
Xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở Lào Cai: Hiệu quả từ những cách làm hay