Việt Nam đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường

(BKTO) - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Khai mở tiềm năng Phục hồi xanh tại khu vực châu Á” diễn ra chiều 02/6.



                
   

Điểm cầu trực tuyến tại trụ sở Bộ TN&MT - Ảnh: baotainguyenmoitruong

   

Hội thảo do Bộ TN&MT, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Quỹ Đổi mới sáng tạo SITRA (Chính phủ Phần Lan) phối hợp tổ chức.

Đây là sự kiện cấp khu vực châu Á của Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Thế giới nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, phát động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái nhằm ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái của các hệ sinh thái trên toàn thế giới.

Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ DN giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên.

Việt Nam đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường. “Mục tiêu của chúng tôi khi chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn tập trung vào 3 trụ cột: Thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái” - Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Cụ thể, để chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam tập trung vào thiết kế sản phẩm và quy trình công nghệ tạo ra sản phẩm nhằm hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô, á kim, phi kim, năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, sinh khối, đồng thời loại bỏ chất thải và chất ô nhiễm trong toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm.

Việt Nam sẽ giữ cho các sản phẩm và vật liệu được lưu dùng tối đa trong nền kinh tế thông qua chiến lược 9R (Từ chối, tiết giảm, tái phân phối/tái sử dụng, tu sửa, tân trang, tái sản xuất, thay đổi mục đích, tái chế, thu hồi năng lượng và tái khai thác rác thải).

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ thúc đẩy tái tạo và khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên. Đây cũng là mục tiêu của Liên Hợp Quốc và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc thực hiện một Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái từ năm 2021 tới 2030 được phát động trong tháng 6 này, nhân ngày Môi trường Thế giới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về nguyên tắc và khuyến nghị liên quan, tập trung vào phục hồi xanh và tăng trưởng kinh tế trong thời kỳ hậu COVID-19. Đồng thời, thảo luận về các khuôn khổ pháp lý và quy định, chính sách của khu vực và quốc gia, cơ hội cho khu vực tư nhân và sự đổi mới ở các thành phố để có thể giúp mở ra tiềm năng của cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Việt Nam đã thể chế hóa kinh tế tuần hoàn vào Luật Bảo vệ môi trường