Thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam

(BKTO) - Ấn phẩm Sách Trắng của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) vừa công bố đã nêu lên những vấn đề then chốt đối với hoạt động của DN và nhấn mạnh những đề xuất hành động, hướng đi cụ thể mà Chính phủ có thể thực hiện để cải thiện môi trường kinh doanh và hệ thống pháp lý, thúc đẩy thương mại, đầu tư từ châu Âu, cũng như nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.



Hội nhập và phát triểntheo hướng hiện đại

Đây là lần thứ 11 ấn phẩm Sách Trắng được EUROCHAM phát hành thông qua việc tập hợp tiếng nói của hơn 1.000 DN thành viên, bao gồm một số DN hàng đầu thế giới, nhằm thúc đẩy lợi ích kinh doanh của các DN và góp phần cải thiện môi trường đầu tư, thương mại tại Việt Nam.

Trong nội dung Sách Trắng lần này, EUROCHAM chú trọng vào tiềm năng phát triển kinh tế tại Việt Nam. Cụ thể, Sách Trắng đã nhấn mạnh 2 vấn đề cần thiết nhằm đảm bảo sự thành công trong giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam. Thứ nhất là việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và việc ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Hai vấn đề này kết hợp với nhau sẽ giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu và cộng đồng quốc tế. Cuộc CMCN 4.0 thông qua quá trình số hóa diễn ra ở khắp các ngành nghề sẽ nâng cao vị thế của Việt Nam, giúp cạnh tranh hơn, đổi mới hơn và chuẩn bị tốt hơn để nắm bắt cơ hội tiềm năng. Trong khi đó, Hiệp định EVFTA khi được phê chuẩn và triển khai sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam, đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận tốt hơn với hàng hóa và dịch vụ đa dạng, chất lượng cao từ châu Âu.

Theo ông Nicolas Audier - đồng Chủ tịch EUROCHAM, trong 3 thập kỷ qua, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi từ một nước kém phát triển trên thế giới thành một quốc gia có thu nhập trung bình và đang phát triển nhanh chóng theo hướng hiện đại. “Ngày nay, Việt Nam có cơ hội thông qua các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA để bước lên tầm cao mới, cởi mở hơn, tiến đến vị thế dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới” - ông Nicolas Audier nhấn mạnh.

Tại Lễ Ra mắt Sách Trắng, cộng đồng DN thành viên EUROCHAM đã đề cập đến 3 chủ đề lớn liên quan đến phát triển ngành y tế; môi trường thuế, hải quan; tăng trưởng bền vững. Trong đó, các lãnh đạo DN châu Âu đã thảo luận và đề xuất kiến nghị về các vấn đề liên quan như: hậu cần và cơ sở hạ tầng, tăng trưởng xanh, thuế và chuyển giá, nguồn nhân lực, y tế và các vấn đề pháp lý.

Theo ông Nicolas Audier, các kiến nghị của DN thành viên EUROCHAM nhằm góp phần cải thiện khung pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trở nên cạnh tranh, hấp dẫn và thân thiện hơn với DN, cũng như giúp Việt Nam khai thác trọn vẹn lợi ích của EVFTA và tiến xa hơn, nhanh hơn trên con đường tăng trưởng, phát triển.

Nhân lực chất lượng cao là yếu tốthen chốt

Châu Âu được biết đến với nhiều DN phát triển bền vững, sáng tạo hàng đầu thế giới. Thông qua việc đánh giá Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) hằng quý, EUROCHAM cho biết, các DN châu Âu đang có đánh giá tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam. Kết quả khảo sát DN châu Âu trong quý IV/2018 cho thấy, chỉ số BCI của Việt Nam đã đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2016. Để đạt được kết quả trên, EUROCHAM nhận định, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã tiếp tục nỗ lực cải cách các quy định pháp luật để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước. Bởi theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp vị trí thứ 77, giảm 3 bậc so với năm 2017. Báo cáo cũng đánh giá, Việt Nam là nền kinh tế có năng lực cạnh tranh xếp thứ 5 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Ông Denis Brunetti - đồng Chủ tịch EUROCHAM - đưa ra nhận xét, trong 30 năm qua, con đường phát triển kinh tế - xã hội vượt bậc của Việt Nam chủ yếu dựa vào các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội và nguồn việc làm trong tương lai chủ yếu sẽ đến từ nền kinh tế kỹ thuật số với nhu cầu nhân lực công nghệ cao khi tất cả các ngành công nghiệp sẽ được số hóa.

Dựa trên tiềm năng và thế mạnh của các DN châu Âu, ông Denis Brunetti cho rằng, các DN này luôn là đối tác đáng tin cậy và bền vững, hỗ trợ Việt Nam phát triển hệ thống viễn thông và mạng công nghệ thông tin từ những ngày đầu tiên, góp phần thúc đẩy phổ biến mạng Internet trên toàn quốc. Do đó, các DN thành viên của EUROCHAM luôn cam kết sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tận dụng triệt để các cơ hội mà làn sóng đổi mới kỹ thuật số toàn diện và bền vững của CMCN 4.0 mang lại.

Để đạt được thành tựu từ cuộc CMCN 4.0, Việt Nam cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. EUROCHAM nêu quan điểm, Chính phủ Việt Nam có thể hợp tác với các trường đại học danh tiếng ở nước ngoài, tham khảo các cách làm tốt nhất nhằm xây dựng một chương trình học phù hợp theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn các Bộ, ngành liên quan nên yêu cầu sinh viên các trường đại học công nghệ thông tin và các trường dạy nghề công nghệ thông tin phải hoàn thành một khóa thực tập bắt buộc dài hơn so với bình thường tại chính các DN công nghệ thông tin. Đồng thời, các trường đại học cần nắm bắt được các xu hướng công nghệ và nhu cầu thực tế của công việc đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp.

P. KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 21-3-2019
Cùng chuyên mục
Thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế Việt Nam