Thống nhất đầu mối quản lý chất thải rắn

(BKTO) - Quản lý chất thải rắn (CTR) đang là vấn đề nhức nhối được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, hiện nay, tổng lượng CTR thải ra môi trường khoảng 13 triệu tấn/năm, trong khi đó, tỷ lệ thu gom mới đạt 85% ở khu vực đô thị và 45% ở khu vực nông thôn.



Tỷ lệ thu gomchưa đạt yêu cầu

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng CTR sinh hoạt phát sinh hiện nay tại các khu đô thị vào khoảng 38.000 tấn/ngày và tại khu vực nông thôn vào khoảng 32.000 tấn/ngày. Tính đến tháng 4/2019, các địa phương có số lượng CTR sinh hoạt phát sinh nhiều là Hà Nội (6.500 tấn/ngày), Thanh Hóa (2.246 tấn/ngày), Hải Phòng (1.715 tấn/ngày), Bắc Ninh (870 tấn/ngày)… Trong khi đó, tỷ lệ thu gom hiện nay tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình chỉ đạt khoảng 85,5% và tại khu vực ngoại thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60% so với lượng phát sinh. Đáng lo ngại hơn cả, hiện tỷ lệ thu gom tại khu vực nông thôn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40 - 55% so với lượng phát sinh.

Đánh giá về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết: Quản lý CTR là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Mặc dù tỷ lệ thu gom CTR vẫn tăng hằng năm nhưng do lượng CTR phát sinh lớn, năng lực thu gom còn hạn chế, cùng với ý thức cộng đồng chưa cao nên tỷ lệ thu gom vẫn chưa đạt yêu cầu. Công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên nhiều địa phương.

Lý giải nguyên nhân khiến việc quản lý CTR ở nước ta còn hạn chế, các chuyên gia đều cho rằng, khó khăn hiện nay là Việt Nam chưa đầu tư đồng bộ các trạm trung chuyển CTR tại các đô thị lớn. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư hạn chế, thiếu kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư hạ tầng cho các cơ sở xử lý lớn. Trong khi đó, việc kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Một số bãi rác tại khu vực nông thôn phát sinh tự phát không theo quy hoạch phê duyệt, một bộ phận lớn người dân vẫn vứt rác bừa bãi…

Ngoài ra, công nghệ xử lý CTR hiện nay chủ yếu là chôn lấp, hầu hết công nghệ xử lý CTR sinh hoạt nhập khẩu không phù hợp với thực tế, chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của CTR sinh hoạt thấp. Thiết bị, công nghệ xử lý CTR chế tạo trong nước chưa đồng bộ, hiện đại. Kinh phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý CTR chủ yếu dựa vào ngân sách tại các địa phương. Trong khi đó, mức thu phí vệ sinh hiện nay còn rất thấp nên chỉ bù đắp một phần chi phí thu gom, vận chuyển.

Chấm dứt tình trạng chồng chéo vai trò quản lý

Một thực trạng hiện nay ở nước ta là có tới 7 Bộ cùng quản lý CTR trong nhiều năm qua. Cụ thể, ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, quản lý chất thải từ hoạt động xây dựng và CTR sinh hoạt. Bộ Y tế phụ trách hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế. Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất thải phóng xạ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chất thải trong nông nghiệp. Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết chất thải nguy hại, CTR phát sinh từ hoạt động giao thông, vận tải. Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quản lý môi trường trong lĩnh vực công thương.

Nêu ra những bất cập của thực trạng này, ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường - cho biết: Dù nhiều Bộ, ngành cùng tham gia quản lý về CTR nhưng thực tế, cơ chế phối hợp giữa các Bộ liên quan với Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn thiếu các quy định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật về quản lý CTR, đặc biệt sau khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định hình thức thông tư liên tịch.

Ngoài ra, theo ông Thịnh, các quy định của pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch về quản lý CTR đối với các Bộ liên quan, mà chủ yếu các Bộ, ngành thực hiện các hoạt động này căn cứ theo phạm vi, lĩnh vực quản lý của ngành...

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chia sẻ: Công tác quản lý CTR còn nhiều bất cập, chồng chéo giữa nhiều Bộ, ngành, dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trên nhiều địa phương. Chính vì vậy, cần xây dựng được mô hình quản lý thống nhất một đầu mối đối với CTR để giải quyết những bất cập trên.

Thông tin từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Chính phủ đã thông qua Nghị Quyết số 09/NQ-CP ngày 03/02/2019 giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về CTR; giao chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát các văn bản quy định pháp luật liên quan đến quản lý CTR để trình Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể về quản lý về loại chất thải này.

LONG HOÀNG
(Theo Báo Kiểm toán số 20 ra ngày 16/5/2019)
Cùng chuyên mục
Thống nhất đầu mối quản lý chất thải rắn