Liệu Việt Nam có đánh mất cơ hội “Dân số vàng” ?

(BKTO)- Tại Hội thảo xây dựng Bộ luật Lao động (sửa đổi) từ góc nhìn các vấn đề dân số và bình đẳng giới do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia đến từ Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: cơ cấu dân số vàng chỉ xảy ra một lần duy nhất trong lịch sử của một quốc gia và là một cơ hội tiềm tàng, có tác động đến thành công hoặc thất bại trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của quốc gia đó.



Dân số vàng- cơ hội và thách thức

Thời kỳ dân số vàng không phải là khái niệm xa lạ đối với Việt Nam mà đã được nhắc đến rất nhiều từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, cơ hội dân số vàng chỉ có thể trở thành hiện thực và đóng góp cho tăng trưởng, phát triển kinh tế khi có chính sách tốt về mặt kinh tế, lao động, việc làm, y tế, giáo dục và quản trị tốt. Quan trọng hơn là khi lực lượng lao động trẻ, khỏe mạnh, được đào tạo, có kỹ năng và được trao quyền, có cơ hội công việc tốt sẽ đóng góp vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư vào xã hội, nói cách khác là sẽ tạo ra dư lợi dân số. Đây là những vấn đề cần tiếp tục được xem xét, cụ thể hóa trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Tám tới.
                
   

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi phát biểu tại Hội thảo. - Ảnh: daibieunhandan.vn

   
Với Việt Nam, chúng ta đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự báo sẽ kéo dài đến năm 2041. Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, đến hết quý III/2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 55,7 triệu người, lao động từ 15 đến 59 tuổi đạt 49,1 triệu người, chiếm 88,2% lực lượng lao động.         
Dân số của một quốc gia đạt cơ cấu “dân số vàng” khi tỷ số phụ thuộc chung nhỏ hơn 50%, hay nói cách khác có trên 2 người trong độ tuổi lao động trên 1 người trong độ tuổi phụ thuộc (tỷ số phụ thuộc chung được tính bằng tổng tỷ số phụ thuộc trẻ em và tỷ số phụ thuộc người già. Tỷ số phụ thuộc chung cho biết trung bình cứ 100 người trong độ tuổi lao động có bao nhiêu người phụ thuộc).

Từ kết quả này cùng với nhiều phân tích khác, TS. Lê Thị Phương Mai- Chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đánh giá, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, mà nếu tận dụng tốt họ có thể đóng góp vào việc tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư vào xã hội.

Mặc dù vậy, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay vẫn đang là thách thức. Mặc dù chúng ta có lực lượng lao động trẻ dồi dào, ngày càng tăng nhưng trình độ tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật còn rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Năm 2018, tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động trên tổng dân số vẫn đạt khoảng 76% nhưng tỷ lệ lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật vẫn rất cao khi chiếm đến 78% tổng số lao động.

Bên cạnh đó, các chương trình giáo dục đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Tình trạng thất nghiệp cao trong thanh niên, đặc biệt là những người tốt nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng là vấn đề đáng báo động. Theo một báo cáo chung của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, có khoảng 162.000 lao động có bằng cử nhân và thạc sỹ hiện không tìm được việc hoặc phải làm các công việc không đúng với ngành, nghề được đào tạo.

Thách thức thứ ba là năng suất lao động vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển quá thấp khiến cho việc cải tiến trong sản xuất còn yếu, từ đó, dẫn đến năng suất lao động thấp.

"Điều này cho thấy một lực lượng lao động lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường, cộng với năng suất lao động thấp sẽ khiến nền kinh tế rơi vào bẫy với các hoạt động giá trị thấp thấp và tỷ lệ tăng trưởng thấp", chuyên gia UNFPA cảnh báo.

Thừa nhận còn tồn tại những thực tế trên, TS. Đào Quang Vinh- Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động– Thương binh và Xã hội) cũng chỉ ra một điểm rất đáng lưu ý khác là việc chuyển dịch cơ cấu lao động theo các nhóm nghề, nhất là lao động giản đơn hiện nay giảm rất chậm, từ 39% năm 2009 còn 36% vào năm 2018.

"Trong 10 năm nhưng chỉ giảm được 3%, tức là trong suốt một thời gian dài chuyển dịch cơ cấu lao động theo nhóm nghề không thay đổi nhiều, nền kinh tế gần như vẫn giữ nguyên cơ cấu sử dụng lao động giá rẻ", ông Vinh phân tích.

Hầu hết lao động được tuyển dụng vào làm vẫn phải đào tạo lại, thậm chí rất nhiều người phải làm trái ngành nghề do đào tạo trái với nhu cầu của thị trường. "Trong suốt thời gian dài khu vực đào tạo vẫn theo khung, ai có khả năng đến đâu thì đào tạo đến đó mà chưa chưa chú ý đến thị trường. Do đó, trình độ thực sự với bằng cấp vẫn có khoảng cách", ông Vinh đánh giá và cho rằng đây là xu hướng ngược ở Việt Nam.

Cụ thể là với các nước trong khu vực, sự phù hợp giữa bằng cấp, trình độ và việc làm ngày càng thu hẹp thì ở Việt Nam xu hướng này lại dãn ra. Thực tế này khiến Việt Nam chưa giảm được bất cập đào tạo với yêu cầu của nhà tuyển dụng, cùng với thiếu lao lao động lành nghề, các nhóm có chuyên môn kỹ thuật, nhà quản lý, đổi mới sáng tạo, trong khi đây là những nhóm có khả năng dẫn dắt nền kinh tế.

Không phủ nhận nước ta hiện có một lực lượng lao động trẻ và đang ở thời kỳ dân số vàng, nhưng ông Vinh nhấn mạnh thêm rằng, quá trình già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh, trong khi tốc độ tăng lực lượng lao động đang giảm dần.

Cần có chính sách tốt để tận dụng cơ hội Dân số vàng

Khảo sát kinh nghiệm của các nước đã thành công trong tận dụng cơ hội dân số vàng như Nhật Bản, Hàn Quốc...cho thấy, có 4 chính sách chung đem lại thành công cho các nước. Đó là: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dồi dào thông qua đầu tư cho giáo dục và y tế, nâng cao năng suất lao động của các ngành theo định hướng phát triển kinh tế của quốc gia; tạo việc làm cho lực lượng lao động; tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư cao; bình đẳng giới trong y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực xã hội được quan tâm trong chính sách phát triển nên tỷ lệ lao động nữ ngày càng tăng và điều này đã giúp cải thiện được vị thế, sức khỏe sinh sản của lao động nữ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), chuyên gia Lê Thị Phương Mai khuyến nghị, đầu tiên, dự thảo Bộ luật phải bảo đảm nâng cao chất lượng lao động và năng suất lao động thông qua giáo dục đào tạo và phát triển kỹ năng nghề. Các điều khoản của dự thảo Bộ luật phải phản ánh được chính sách phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm người lao động có điều kiện được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề để hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo thuận lợi cho việc tự do dịch chuyển lao động từ các ngành nghề có năng suất thấp sang các ngành có năng suất cao, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh.

Cùng với đó, các điều luật cần phản ánh các điều kiện để gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, dạy nghề và cơ sở sử dụng người lao động, bảo đảm đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường, đào tạo đáp ứng công việc đòi hỏi kiến thức và kỹ năng, kỹ thuật cao để đưa Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Một khuyến nghị quan trọng nữa là bảo đảm cơ hội việc làm và hướng tới những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên tăng năng suất lao động; tạo đủ các cơ hội việc làm tốt, đặc biệt là cho thanh niên và phụ nữ; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tìm kiếm và mở rộng thị trường lao động ở nước ngoài; khuyến khích xuất khẩu lao động và đào tạo lao động xuất khẩu theo chuẩn quốc tế cũng là một chính sách hiệu quả để bảo đảm việc làm và thu nhập bền vững cho người lao động.

Mặt khác, cần bảo đảm người lao động có quyền và cơ hội ngang nhau; không bị phân biệt đối xử; được bảo vệ không bị bạo lực, ngược đãi cả về tinh thần và thể chất, không bị lạm dụng, cưỡng bức và tấn công tình dục nơi làm việc. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến việc bảo đảm lao động nữ, lao động trẻ có quyền tiếp cận bình đẳng đối với giáo dục, việc làm, dịch vụ và thông tin về sức khỏe sinh sản.

Bảo đảm lực lượng lao động khỏe mạnh cũng là một nội dung cần tiếp tục xem xét trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, cần bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Riêng với lao động nữ, lao động nữ mang thai, các chuyên gia nhấn mạnh, cần tuân thủ các khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế và các công ước quốc tế liên quan.

Với người lao động cao tuổi, cần có quy định bảo đảm họ sẽ làm việc phù hợp với sức khỏe. Với nhóm lao động chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi, đặc biệt là nhóm từ 13 đến chưa đủ 15 tuổi) cần quy định cụ thể để bảo đảm các công việc phù hợp với sức khỏe ở độ tuổi này, bổ sung quy định về giờ làm việc cho nhóm chưa đủ 13 tuổi.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, lao động vừa mang tính kinh tế vừa mang tính xã hội và có quan hệ mật thiết với dân số và bình đẳng giới. Các vấn đề dân số và tận dụng cơ hội của cơ cấu dân số vàng đã luôn được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chú trọng trong quá trình thẩm tra, giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Dù vậy, ghi nhận khuyến nghị của các chuyên gia, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi khẳng định, Ủy ban sẽ tiếp tục cân nhắc, rà soát, báo cáo với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội để có thể cụ thể hóa hơn nữa các vấn đề dân số trong dự thảo Bộ luật, giúp tận dụng tối đa cơ hội của thời kỳ dân số vàng, làm đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

THÙY CHI (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Từ ngày 15/10 sẽ công khai bộ, địa phương chậm giải ngân vốn vay nước ngoài
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15/10, Bộ Tài chính sẽ công khai định kỳ số liệu các Bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân vốn vay nước ngoài của Chính phủ trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.
  • Gần 100% số xã trên toàn quốc được lập đồ án quy hoạch
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010- 2020, diễn ra ngày 3/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Đến nay, 99,7% số xã trên toàn quốc đã được lập đồ án quy hoạch chung xây dựng xã. Các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã NTM được xem là cơ sở tiền đề cho xây dựng Đề án xây dựng xã NTM để triển khai xây dựng trên toàn quốc.
  • Tài trợ lắp đặt dàn pin điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO)- Ngày 2/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ký kết một hiệp định vay trị giá 37 triệu USD với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim- Hàm Thuận- Đa Mi (DHD) để tài trợ việc lắp đặt một dàn pin điện mặt trời nổi với công suất đỉnh là 47,5 MWp trên hồ chứa hiện thời của Nhà máy thủy điện Đa Mi với công suất 175MW thuộc Công ty DHD.
  • Dự kiến thu phí ô tô, cấm xe máy tại Hà Nội
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Để đẩy mạnh vận tải công cộng và kịp hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt 20-25% vào năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ tập trung triển khai thu phí phương tiện cơ giới vào trong nội đô, từng bước tiến hành dừng hoạt động của xe máy tại các quận.
  • Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam:  Bây giờ hoặc không bao giờ
    4 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là một trong những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu ghi nhận xu thế phát triển tất yếu và tác động chuyển đổi to lớn của AI trong mọi mặt đời sống xã hội và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng phát triển này.
Liệu Việt Nam có đánh mất cơ hội “Dân số vàng” ?