Kết nối Cơ chế một cửa quốc gia: Khẩn trương tăng tốc để hoàn thành mục tiêu!

(BKTO) - Thời gian qua, việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại bước đầu đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các cơ chế này vẫn còn chậm và bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi các Bộ, ngành cần phải tăng tốc để hoàn thành mục tiêu cũng như yêu cầu mà Chính phủ đặt ra.



Chi phí, thời gian thông quan giảm nhưng số TTHC kết nối NSW còn thấp…

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại diễn ra vào ngày 24/7, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo quốc gia 1899) - cho biết, đến nay, có 53 thủ tục hành chính (TTHC) của 11 Bộ, ngành kết nối NSW. Đến ngày 15/7/2018, hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 DN đã được xử lý thông qua NSW. Riêng tại Bộ Tài chính, tất cả các quy trình, thủ tục hải quan đã kết nối NSW và được tự động hóa với 99,65% DN thực hiện tại các đơn vị hải quan trên toàn quốc. Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 - 3 giây; đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Tổng cục Hải quan với vai trò là đơn vị đầu mối đã tích cực, chủ động phối hợp, đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành (KTCN). Từ quý II/2015 đến quý I/2018, số lượng hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN đã giảm 4.403 mặt hàng.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Uỷ ban Chỉ đạo quốc gia 1899, các Bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính đã thực hiện được khối lượng công việc lớn. Trung bình, chi phí thông quan cho 1 lô hàng đã giảm được 19 USD. Tính đến cuối năm 2017, tiết kiệm được 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ đối với hàng nhập khẩu. Đến tháng 6/2018, các Bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 81 văn bản quản lý, KTCN hàng hóa xuất nhập khẩu (chiếm 93%), trong đó có 8 Bộ đã hoàn thành việc này.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá, việc triển khai NSW còn chậm và bất cập. Cụ thể, số thủ tục hành chính kết nối NSW mới chỉ đạt khoảng 20%; số lượng hàng hóa phải KTCN còn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực, hiệu quả KTCN còn thấp; phí KTCN một mặt hàng xuất nhập khẩu vẫn còn cao; số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn đọng nhiều; một số lĩnh vực còn bị bỏ sót…

Đại diện Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhận định: Kết quả triển khai NSW còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. NSW vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua NSW, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các DN được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến... Quy định pháp luật còn chồng chéo khiến một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý...

Sẽ triển khai 100% thủ tục qua NSW vào năm 2020

Để khắc phục những hạn chế trên, Bộ Tài chính đã đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể. Đó là, phấn đấu đến hết năm 2019, ít nhất 80% số TTHC của các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất khẩu/nhập khẩu, xuất cảnh/nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện được triển khai thông qua NSW. Đồng thời, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí ngang bằng với nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về thời gian thông quan và giải phóng hàng hóa, người và phương tiện liên quan tới các TTHC một cửa; đến năm 2020, 100% các TTHC thực hiện NSW thu phí, lệ phí bằng phương thức điện tử…

Nhằm thúc đẩy cải cách hành chính, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, đến cuối năm 2018, các Bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành việc kết nối tối thiểu 130 TTHC với NSW, ASW.

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị định và Kế hoạch hành động của Chính phủ nhằm tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy việc thực hiện NSW, ASW để trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 8 và tháng 9 tới.

Đặc biệt, các Bộ, ngành không dựa vào việc KTCN để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra xuống dưới 15% nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu về quản lý nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Các Bộ, ngành phải rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục KTCN; chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải KTCN nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

Thủ tướng nhấn mạnh: Cần chuyển đổi từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của DN; minh bạch và công khai phương pháp, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để đánh giá; xã hội hóa hoạt động KTCN; đặc biệt, không ôm, giữ ở Bộ, ngành những điều kiện không cần thiết để giải phóng sức sản xuất… Đó là những việc cần khẩn trương thực hiện để góp phần tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong kết nối NSW, ASW.

THÙY ANH
Theo Báo Kiểm toán số 30 ra ngày 26/7/2018
Cùng chuyên mục
  • Quản lý và sử dụng vốn ODA phù hợp với tình hình mới
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ODA đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt công trình, dự án hoàn thành đã đi vào khai thác phục vụ đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Trong giai đoạn 2016-2020, dự kiến tổng nguồn vốn ODA có thể đàm phán, ký kết đạt khoảng 20 - 25 tỷ USD và giải ngân đạt khoảng 25 - 30 tỷ USD. Tuy nhiên, trước những bất cập, hạn chế phát sinh, Chính phủ đang định hướng lại việc thu hút, quản lý, sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài cho phù hợp với tình hình mới.
  • Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Vẫn thiếu các chính sách đồng bộ
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Tại Hội thảo "Cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại DN - Góc nhìn chuyên gia", các chuyên gia lo ngại quá trình cổ phần hóa (CPH), thoái vốn vẫn diễn ra chậm chạp và khuyến nghị Chính phủ cần tạo lập một khuôn khổ pháp lý cụ thể, chặt chẽ, trong đó có việc ban hành luật về CPH.
  • Hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 63/2018/NĐ-CP (Nghị định số 63) về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, thay thế cho Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.
  • Nền kinh tế đan xen nhiều yếu tố thuận lợi và khó khăn
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Dựa trên những dự báo và đánh giá tình hình kinh tế năm 2018, những tác động của kinh tế thế giới đến tình hình trong nước, Chính phủ vẫn đặt mục tiêu cao cho phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Mặc dù hiện tại, bối cảnh kinh tế trong nước được Chính phủ nhìn nhận có những diễn biến thuận lợi, nhưng cũng có không ít khó khăn đan xen.
  • Cải cách hành chính: Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự để lại dấu ấn tốt với người dân và DN cho dù đạt được điểm số cao về cải cách hành chính (CCHC). Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ tinh thần phục vụ chưa hướng đến sự hài lòng của người dân.
Kết nối Cơ chế một cửa quốc gia: Khẩn trương tăng tốc để hoàn thành mục tiêu!