Hạn chế về chính sách đất đai cản trở đầu tư vào nông nghiệp

(BKTO) - Tích tụ đất đai là khâu tiền đề trong đột phá phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, thực trạng đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn manh mún, phân tán; DN thuê đất để sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do những rào cản về chính sách, tạo thành thách thức lớn trong việc kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.




Chính sách về đất đai cần đồng bộ, rõ ràng để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp- Ảnh: HOÀNG HẢI
Ruộng đất manh múnkhó thu hút đầu tư

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay, số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn rất khiêm tốn. Hiện cả nước mới có khoảng 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm gần 8% tổng số DN đang hoạt động. Nếu tính riêng các DN trực tiếp sản xuất nông - lâm - thủy sản, số DN giảm xuống chỉ còn trên 1%, tương ứng với khoảng 7.600 DN. Trong đó, rào cản chính vẫn là do đất đai khó tích tụ để có mặt bằng lớn cho DN, vì phần lớn đất sản xuất nông nghiệp đang còn nhỏ lẻ, manh mún. Thống kê cho thấy, sở hữu đất nông nghiệp bình quân theo đầu người tại Việt Nam hiện đạt khoảng 0,07 ha/người, chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan (khoảng 0,27 ha/người) và bằng 1/3 so với mức trung bình của thế giới (0,2 ha/người); trên 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5 ha/mảnh.

Theo Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, hiện các DN vẫn gặp nhiều khó khăn trong cả 3 hình thức thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp. Cụ thể, khi thuê đất trực tiếp của người dân thì chi phí giao dịch cao; thuê đất của cơ quan quản lý Nhà nước thì thuận lợi hơn về giá, tuy nhiên, quỹ đất công hiện rất hạn chế và ngày càng khan hiếm.
Trong khi đó, hình thức mới nhất là Nhà nước thuê của người dân rồi cho DN thuê lại thì hiện vẫn thiếu khung pháp lý làm cơ sở thực hiện.

Dẫn minh chứng tỉnh Hoà Bình vẫn đang gặp nhiều rào cản trong vấn đề tích tụ đất đai, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Hòa Bình Phạm Thị Mơ cho biết, địa hình phức tạp, đất sản xuất nông nghiệp đã giao cho các hộ dân tại tỉnh rất manh mún, không thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn. Đặc biệt, cơ chế thỏa thuận với nhiều hộ dân để đảm bảo quy mô diện tích cũng rất phức tạp. Có trường hợp DN thỏa thuận được đến 90% hộ dân nhưng nếu chỉ 10% hộ không đồng thuận thì coi như dự án thất bại. Trong khi đó, rủi ro đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lại không hề thấp, điều này khiến DN còn rất e ngại.

Tháo gỡ rào cản từ thể chế

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam Ngô Mạnh Ngọc chia sẻ: Hà Nam là tỉnh có những đột phá trong việc tích tụ, tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Chính quyền cấp huyện, xã đã đứng ra thuê đất của nông dân trong thời hạn 20 năm trở lên, sau đó, tỉnh sẽ đứng ra ký hợp đồng cho DN thuê lại với giá và thời gian như đã ký với nông dân. Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất nông dân vẫn giữ. Tiếp đó, nhằm chia sẻ với DN, Hà Nam cũng thí điểm việc ứng ngân sách tỉnh để trả tiền thuê đất cho các hộ dân trong thời gian thuê đất 20 năm, DN trả tiền thuê đất 10 năm đầu ngay sau khi ký hợp đồng và trả hết số tiền thuê đất còn lại sau 10 năm. Nhờ vậy, đến nay, tỉnh có 375,5 ha, với 2 khu nông nghiệp CNC trên diện tích 202,3 ha tại huyện Lý Nhân, giải quyết việc làm cho trên 400 lao động nông thôn, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Mạnh Ngọc, trong quá trình triển khai, tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do cơ chế, chính sách. Theo đó, Luật Đất đai không quy định chính quyền được ký hợp đồng thuê đất của dân và không cho phép tỉnh ký hợp đồng cho thuê đất khi chưa có quyết định thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng. Luật Ngân sách không cho phép ứng tiền ngân sách để trả tiền thuê đất của dân sau đó thu của DN nhiều lần để hoàn trả. Quy định về hạn điền đã hạn chế việc các hộ dân đứng ra tích tụ, tập trung đất đai.

Từ thực tế trên, ông Ngọc kiến nghị Chính phủ sớm phê chuẩn Đề án thí điểm tích tụ, tập trung đất đai để thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình. Theo đó, Chính phủ cần xem xét, đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013. Bởi việc cho phép DN thỏa thuận với các hộ dân để thuê đất đầu tư phát triển nông nghiệp CNC như quy định hiện nay sẽ rất khó thực hiện. Mặt khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu nhằm đơn giản hóa bộ thủ tục hành chính và phân cấp cho địa phương thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC.

Để tháo gỡ những rào cản trong tích tụ ruộng đất nông nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, các Bộ, ngành cần xây dựng cơ chế đồng bộ, quy định pháp lý rõ ràng để người dân có thể yên tâm chuyển nhượng hoặc cho DN thuê mà không bị lo mất tài sản cũng như những thiệt thòi khác, nhằm tránh tình trạng một số dự án thu hồi đất chịu phản ứng của các hộ dân, dẫn đến không thể triển khai. Đồng thời, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu sửa đổi các quy định về thế chấp tài sản đối với các dự án nông nghiệp để các DN, hợp tác xã và nhóm hộ nông dân đầu tư vào lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số45 ra ngày 08-11-2018
Cùng chuyên mục
  • Ngăn ngừa tình trạng lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Kéo dài quy định ký quỹ 100 triệu đồng với lao động thêm 2 năm, đồng thời không trả tiền ký quỹ với lao động xuất khẩu bỏ hợp đồng được xem là những đề xuất nhằm siết chặt tình trạng lao động “chui” của Việt Nam tại Hàn Quốc... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng cho biết, hiệu quả từ cách làm này sẽ được xem xét và mở rộng áp dụng đối với lao động tại các thị trường khác.
  • Ngành Nông nghiệp chuyển biến sau 5 năm tái cơ cấu
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp (2013-2018), những kết quả thu được là rất ấn tượng, cho thấy ngành nông nghiệp đã phát triển nhanh, mạnh, bền vững trên nhiều lĩnh vực. Đó là đánh giá của các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 10/11 tại Hà Nội.
  • Thống nhất kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thảo luận tại hội trường sáng 5/11, về việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (Nghị quyết số 30), đa số các đại biểu Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ, cho phép kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam thêm 02 năm, kể từ ngày 01/02/2019, đồng thời, để nghị Chính phủ sớm khẩn trương tổng kết và đề nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, quá cảnh, xuất cảnh và cư trú của người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để quy định vấn đề này.
  • 10 tháng: Xuất khẩu lao động đã vượt chỉ tiêu cả năm 2018
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 10 tháng năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động, đạt 106,07% kế hoạch năm 2018. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 10/2018, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 14.548 lao động.
  • Tham gia CPTPP là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật kinh tế
    5 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Thay mặt Chính phủ thuyết minh về Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) trước Quốc hội sáng 2/11, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ: Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam…
Hạn chế về chính sách đất đai cản trở đầu tư vào nông nghiệp