Đà Nẵng: Xây dựng nền tảng số công cộng để giảm ô nhiễm rác thải nhựa

(BKTO) - Đà Nẵng sẽ triển khai Dự án "Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước" và Dự án "Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương" để góp phần xây dựng Thành phố môi trường.



                
   

Phó Giám đốc GreenHub Nguyễn Thị Thu Trang giới thiệu về Dự án

   

Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) vừa ký kết trực tuyến về hợp tác và triển khai các hoạt động của Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” và Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, đồng hành với TP. Đà Nẵng triển khai Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường”.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng Võ Nguyên Chương cho biết, Lễ ký kết là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nằm trong chuỗi các hoạt động để hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 05/6 với chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái”; là ngày để nhắc nhở, thúc đẩy mỗi người dân chung tay tham gia các hoạt động cụ thể, có ý nghĩa thiết thực cho chính môi trường sống của chúng ta.

Trình bày về Dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương”, Phó Giám đốc GreenHub Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, Dự án được thực hiện bởi GreenHub, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE), Mạng lưới Một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) và Công ty TNHH Tích hợp Hệ thống Quản lý Quốc tế và được hỗ trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

Với mục đích trao quyền cho cộng đồng địa phương để thúc đẩy các hành động chung nhằm giảm ô nhiễm rác thải nhựa, Dự án tập trung xây dựng, củng cố và kết nối các mạng lưới, cộng đồng và cá nhân tại Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam).

Dự án kịp thời chung tay xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa cấp thành phố và thực hiện các hành động giảm thiểu rác nhựa cụ thể ở 2 quận Hải Châu và Cẩm Lệ. Đây là tiền đề để nhân rộng trên quy mô toàn Thành phố và toàn quốc.

Theo đó, cách thức tiếp cận của Dự án gồm: Thúc đẩy tính chủ động địa phương, kết nối mạng lưới cho hành động tập thể trong giảm thiểu rác thải nhựa; nâng cao năng lực của các tổ chức và cá nhân cấp địa phương; xây dựng một nền tảng số công cộng nhằm huy động người dân và DN cùng hành động để giảm ô nhiễm rác thải nhựa.

Các nhóm hoạt động chính của Dự án tại Đà Nẵng: Hỗ trợ xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động Giảm thiểu rác thải nhựa cấp quận; hỗ trợ xây dựng và thực hiện chính sách liên quan đến quản lý rác thải nhựa cấp thành phố; tài liệu hóa, chia sẻ thông tin và truyền thông kết nối thông qua nền tảng số; kết nối, trao đổi bài học kinh nghiệm giữa các địa phương trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Đà Nẵng: Xây dựng nền tảng số công cộng để giảm ô nhiễm rác thải nhựa