Chính thức khánh thành 2 công trình giao thông lớn

(BKTO) - Sáng 10/10, Bộ Giao thông vận tải, phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ đã tổ chức lễ thông xe tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình, thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình và Dự án đầu tư xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang) theo hình thức BOT.



                
   

Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình được Bộ GTVT thông xe sáng 10/10 - Ảnh: TTXVN

   
Theo đánh giá của Bộ GTVT, Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc- Hòa Bình sau khi khai thác sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc- Hà Nội phục vụ phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh Tây Bắc theo quy hoạch nhằm nâng cao mức độ phục vụ của QL 6; tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long; giảm khoảng cách và thời gian đi lại từ Hà Nội đến Hòa Bình. Đồng thời, phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Thủ đô, theo quy hoạch chung phát triển theo hướng Tây Nam của Hà Nội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng.

Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc- Hòa Bình, dài 56km, gồm hai hợp phần: Tuyến Hòa Lạc- Hòa Bình được xây dựng mới dài 25,7km và hợp phần cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai- Hòa Bình dài 30,36km. Trong đó, tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình được thiết kế theo tiêu chuẩn tiền cao tốc, nền đường 12m, mặt đường 11m. Dự án có tổng mức đầu tư 2.723 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36- Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.

Để hoàn vốn cho nhà đầu tư, theo phương án tài chính, dự án sẽ đặt 2 trạm thu phí trên mỗi tuyến đường: Tuyến QL6 đặt tại Km 42+730, tuyến Hòa Lạc- Hòa Bình đặt tại Km 17+100. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến của dự án khoảng 27 năm 6 tháng 9 ngày(từ 01/11/2018 đến 10/3/2046),với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe con và cao nhất là 180.000 đồng/xe tải.
                
   

Cầu Ba Vì – Việt Trì - Ảnh: TTXVN

   
Theo Bộ GTVT, Dự án cầu Văn Lang với mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, sau khi đưa vào khai thác, sử dụng, phương tiện từ Việt Trì đi Hà Nội tiết kiệm được khoảng 20km so với các tuyến đường hiện nay. Cùng đó, người dân Việt Trì- Phú Thọ và Ba Vì, Hà Nội qua lại sẽ không còn phải sang đò, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Dự án cầu Văn Lang có điểm đầu phía Hà Nội kết nối với QL 32 tại lý trình Km59+500 thuộc địa phận xã Phú Sơn, huyện Ba Vì. Điểm cuối dự án phía Phú Thọ giao với Quốc lộ 32C tại lý trình Km3+100 thuộc địa phận phường Thọ Sơn, TP. Việt Trì. Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46 km; trong đó, chiều dài đường dẫn phía Phú Thọ khoảng 0,26 km, chiều dài cầu vượt sông khoảng 1,55 km, chiều dài đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54 km.Theo hợp đồng, thời gian thu phí qua cầu Văn Lang là 19 năm 10 tháng, dự kiến bắt đầu thu phí từ tháng 12/2018, với mức phí thấp nhất là 35.000 đồng/xe con, cao nhất 185.000 đồng/xe tải.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Chính thức khánh thành 2 công trình giao thông lớn