Ba yếu tố then chốt để cải thiện năng suất lao động

(BKTO) - Theo thống kê về tình hình năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam vừa được công bố mới đây, điệp khúc NSLĐ tăng đều, nhưng vẫn kém xa so với các nước trong khu vực ASEAN tiếp tục lặp lại. Đã đến lúc cần có sự đột phá để cải thiện tình trạng này, trong bối cảnh ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm rộng thêm khoảng cách giữa Việt Nam với các nước.



Năng suất lao động tăng nhưng vẫn kém xa nhiều nước ASEAN

Thống kê cho thấy, NSLĐ của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm. Tính chung giai đoạn 2008-2018, NSLĐ của Việt Nam tăng trung bình 4%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của các nước nhóm trên như: Singapore, Malaysia, Thái Lan... Tuy nhiên, chênh lệch về mức NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Tại nhiều diễn đàn, hội nghị bàn về thực trạng và giải pháp nâng cao NSLĐ, các chuyên gia đều bày tỏ lo ngại về tình trạng NSLĐ tăng nhưng vẫn ở mức thấp và những thách thức tăng NSLĐ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tập trung đào tạo nghề để bổ sung đội ngũ lao động chất lượng cao - Ảnh: NGUYỄN VĂN

Tại một diễn đàn bàn về NSLĐ diễn ra cuối tháng 12/2018 vừa qua, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, nếu so với những nước nhóm trên, Việt Nam đang rút ngắn khoảng cách đi một chút. Với nhóm nước như Lào, Campuchia, trước đây, NSLĐ của các nước này thấp hơn NSLĐ của Việt Nam nhưng nay khoảng cách này đang thu hẹp nhanh. Theo ông Tuấn, nguyên nhân trước tiên phải xét đến DN, bởi đây là đối tượng đóng góp chính cho vấn đề cải thiện NSLĐ. DN Việt Nam chưa tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì thế chưa tận dụng được tính lan toả của tri thức, công nghệ và NSLĐ từ các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia vào DN trong nước. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, hơn 40% lao động còn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với phương thức canh tác thô sơ. Ở khía cạnh quản lý nhà nước, việc quản lý, thực thi không tốt gây nên sự lãng phí nguồn lực, trong khi chưa tạo được sản phẩm cho xã hội, chưa tạo môi trường tốt cho DN phát triển.

Xét ở góc độ nội tại từng lĩnh vực, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) - cho rằng, có quá nhiều điểm yếu làm cản trở tốc độ tăng NSLĐ. Đó là: máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ sản xuất lạc hậu; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu là hoạt động sơ chế, gia công có hàm lượng giá trị tăng thêm, kết tinh trong sản phẩm rất thấp; lực lượng lao động qua đào tạo thấp...

Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, công nghệ và vốn

Nhìn nhận thẳng thắn thực trạng NSLĐ thời gian qua, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để cải thiện năng suất, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào 3 yếu tố: con người, khoa học công nghệ và vốn.

Theo TS. Vũ Xuân Hùng (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), để tăng NSLĐ, việc cấp bách là phải giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn để gia tăng nhanh lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Để khắc phục điểm yếu về lao động, không còn cách nào khác là phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng cho lao động giản đơn vừa để đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, vừa là cơ sở để mỗi lao động tự khẳng định mình, đồng thời tận dụng tối đa cơ hội mà cách mạng công nghệ số tạo ra.

Trong khi đó, PGS,TS. Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) - khuyến nghị, cần tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, các cơ quan, DN, người lao động về bản chất, nội dung và yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của nó đến nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng. “Người lao động cần phải biết về cách mạng công nghiệp và nguy cơ bị đào thải, bị máy móc làm thay nếu không học tập, nâng cao hiểu biết công nghệ” - ông Thọ cho biết.

Đề cập đến vấn đề vốn vay cho DN, đặc biệt là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng, đây chính là nút thắt cản trở cơ hội mở rộng quy mô sản xuất cũng như tăng NSLĐ của DN. Nhiều DN có nhu cầu tìm hiểu, ứng dụng công nghệ, mở rộng sản xuất, tuy nhiên, khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, họ đều bị từ chối. Lý do là DN không có tài sản đảm bảo hoặc thời gian thành lập ngắn nên không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn...

Từ những hạn chế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế liên quan trực tiếp đến tăng NSLĐ cần phải sớm được giải quyết triệt để, tránh nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu so với thế giới.

PHỐ HIẾN
Theo Báo Kiểm toán số 02 ra ngày 10-01-2019
Cùng chuyên mục
Ba yếu tố then chốt để cải thiện năng suất lao động