Điện ảnh Việt Nam: Chờ “trái ngọt” từ xã hội hóa

(BKTO) - Với việc hoàn tất cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam - hãng phim nhà nước cuối cùng - điện ảnh Việt Nam coi như đã được xã hội hóa hoàn toàn. Tuy nhiên, để chủ trương xã hội hóa điện ảnh được thực hiện đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng phim Việt, các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.




Đại đa số các phim tư nhân lĩnh trọn giải thưởng Giải Cánh diều năm 2016 Ảnh: TS

Phim tư nhân lấn át

Có lẽ chưa bao giờ người ta thấy được sự bùng nổ, lấn át toàn diện của phim do tư nhân sản xuất trên thị trường điện ảnh trong nước như hiện nay khi thường chiếm trọn các giải thưởng và số lượng phim phát hành ra thị trường, cũng như doanh thu. Mới đây nhất, tham gia Giải Cánh diều 2016 cũng là đại đa số các phim tư nhân tham gia và lĩnh trọn giải thưởng. Theo Đạo diễn Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Trưởng Ban tổ chức Giải - kết quả này đã minh chứng cho thực tế hiện nay, khi phim tư nhân đang gây ảnh hưởng lớn trong xã hội cũng như thu hút khán giả đến rạp. Thị trường điện ảnh bị phá vỡ thế độc quyền, khi từng là "sân khấu" dành riêng cho phim nhà nước. “Muốn có nền điện ảnh phong phú, đa dạng, phát triển phải có sự góp sức của các đơn vị sản xuất phim và huy động nguồn vốn sản xuất phim trong cả nước. Do đó, xã hội hóa là xu hướng phát triển tất yếu” - ông Hải cho biết.

Trong năm 2016, đã có hơn 50 phim truyện ra rạp, nhưng không có phim nào được Nhà nước tài trợ. Mặc dù trong kế hoạch năm 2015-2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có phê duyệt 4 phim truyện điện ảnh được đặt hàng sản xuất từ nguồn chi trợ giá của ngân sách, nhưng hiện tại các bộ phim này vẫn chưa thể hẹn ngày hoàn thành vì chưa được cấp kinh phí.

Đã đến lúc, NSNN không còn lý do gì để “hào phóng” rót tiền tỷ tài trợ cho những bộ phim mà tương lai dường như đã định sẵn: Xếp kho và không được công chúng đón nhận. Bởi, đã quá nhiều lần giới làm phim phải nhắc đến thực trạng thị trường chiếu phim có doanh thu tăng hằng năm, nhiều phim xã hội hóa lập kỷ lục bán vé, trong khi phim do Nhà nước tài trợ tiêu tốn hàng tỷ đồng lại hầu như không thể vào rạp, không thu hồi được vốn sản xuất.

Đơn cử, năm 2013, phim “Người viết huyền thoại” được đầu tư 10 tỷ đồng, đoạt 6 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 nhưng doanh thu chỉ đạt 500 triệu đồng; năm 2014, phim “Sống cùng lịch sử” được đầu tư 21 tỷ đồng nhưng ế vé ngay những ngày đầu ra rạp; năm 2015, “Người trở về” được đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhưng chiếu miễn phí; còn phim “Mỹ nhân” đầu tư 16 tỷ đồng nhưng chỉ thu về vẻn vẹn 500 triệu đồng...

Chất lượng còn chưa ổn

Chưa bao giờ chức năng giải trí của điện ảnh lại được đề cao như hiện nay. Các phương tiện truyền thông cổ súy cho những phim giải trí, lấy con số doanh thu phòng chiếu làm tiêu chí đánh giá sự thành công của một bộ phim. Với tiêu chí này, hầu hết các bộ phim tư nhân hút khán giả đều tạo dựng những mô típ chung, đó là cốt truyện hư cấu, các pha hành động kịch tính. Chức năng phản ánh hiện thực không phải là mối quan tâm của các nhà làm phim tư nhân. Ngoài việc xây dựng những cảnh quay đẹp, sử dụng nhiều kỹ xảo, nắm bắt thị hiếu của công chúng, cái yếu chung ở các bộ phim này, theo Đạo diễn Đặng Nhật Minh, đó là: Nội dung không mang ý nghĩa sâu sắc, mới mẻ, thiếu giá trị nhân văn; kết cấu phim lỏng lẻo, rời rạc; các nhân vật được sắp đặt tùy tiện, hành động lố bịch, kích động…

Đây có lẽ là lý do khiến trong số các phim dự Giải Cánh diều 2016, không mấy phim được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng. Trong các bộ phim này, dấu ấn của nhà sản xuất nhiều khi lấn át tính nghề nghiệp của các nhà làm phim, vì mục tiêu hàng đầu là doanh thu...

Không phủ nhận, khi phim Việt có doanh thu là một điều đáng tự hào. Thế nhưng niềm tự hào chưa được lâu, những người tâm huyết với điện ảnh lại bắt đầu một nỗi buồn mới. Có những phim được đánh giá là quá dở nhưng lại hút khán giả và doanh thu rất lớn. Hai bộ phim mới nhất bị xếp vào danh sách phim hài nhảm, hoặc không tương xứng với số tiền được đầu tư phải kể đến “Hello cô Ba” và “Mỹ nhân kế”. Vậy mà ngay sau hai tuần công chiếu, doanh thu của các bộ phim đều đạt mức trên 50 tỷ đồng khiến nhiều người ngỡ ngàng. “Việc coi tiêu chí giải trí làm đầu đã đẩy chất lượng của phim, trách nhiệm xã hội của nhà làm phim xuống mức thấp, nếu không muốn nói là quá tệ” - Đạo diễn Hạnh Thúy cho biết.

Trước thực trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể buông bỏ trách nhiệm của Nhà nước trong việc đầu tư cho những bộ phim có định hướng tuyên truyền. Điều quan trọng là phim được đầu tư từ NSNN cần có sự tham gia của các nhà làm phim tư nhân với sự nhạy cảm về thị trường, về khán giả để góp phần đem đến hơi thở mới cho phim. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả trong mối quan hệ phối hợp này.

Điện ảnh Việt đã “chia tay” với thời bao cấp và đang phát triển theo hướng xã hội hóa. Đó là hướng đi đúng, nhằm tránh tình trạng thụ động, ỷ lại từng xảy ra trước đây. Nhưng mặt trái xã hội hóa cùng với sự thiếu kiểm soát, thiếu giải pháp ngăn ngừa tác động xấu của cơ quan chức năng đang khiến diện mạo điện ảnh Việt Nam trở nên “méo mó”. Ngay từ lúc này ngành điện ảnh cần có những giải pháp kịp thời, hữu hiệu để đưa điện ảnh vào khuôn khổ, theo quy định của Luật Điện ảnh. Bên cạnh đó, việc định hướng và quy hoạch cho một nền điện ảnh hài hòa, cân đối giữa các dòng phim là điều cần thiết.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Nghỉ hưu trước năm 2018: Không phải ai cũng được lợi
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Do thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, nhiều người laođộng sợ thiệt thòi đã tìm mọi cách lách luật để nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, theo phân tích của TS. Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - lương hưu phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên khôngphải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.
  • Sửa đổi Bộ luật Lao động: Tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong thực thi
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội(Bộ LĐ-TB&XH) đang tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, DN vànhân dân để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi trình Quốc hộicho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Một trong những mục tiêu quantrọng của việc sửa đổi Bộ luật lần này là chỉnh lý, bổ sung các điều khoản nhằmtháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật.
  • Cần thận trọng khi điều chuyển giáo viên dôi, dư
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hướng giải quyết tìnhtrạng dôi, dư giáo viên bằng cách cơ học như điều chuyển giáo viên phổ thông xuốngdạy mầm non mới đây là không phù hợp, nhiều chuyên gia giáo dục kiến nghị, Bộ Giáodục và Đào tạo (GD&ĐT) cần thận trọng trong việc sắp xếp lại việc làm củagiáo viên cho hợp lý, đồng thời có giải pháp không để tái diễn những bất cập nhưvừa qua.
  • Kết nối, liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT: Vướng từ cơ sở y tế
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Với việc ứngdụng công nghệ thông tin, Hệ thống thông tin khám, chữa bệnh (KCB) BHYT đã kếtnối dữ liệu của hơn 12.000 cơ sở y tế với cơ quan BHXH để tiến hành giám địnhđiện tử. Tuy nhiên, sự thiếu trách nhiệm trong liên thông, cập nhật dữ liệu củacác cơ sở y tế đang ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực tin học hóa quản lý KCB BHYT
  • 42 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2017): Sống lại những ký ức  hào hùng
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Là một trong những chứng nhân lịch sử vào thời khắc đặc biệt của dân tộc - ngày miền Nam được giải phóng và phát đi những tiếng nói đầu tiên thông báo về sự đầu hàng của chính quyền Sài Gòn, trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái (nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn năm 1963-1964) đã trải lòng với Báo Kiểm toán những cảm xúc không thể nào quên trong cuộc đời ông.
Điện ảnh Việt Nam: Chờ “trái ngọt” từ xã hội hóa