Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá thành công

(BKTO) - Năm 2020, ngành nông nghiệp đã phải đối mặt cùng lúc nhiều rủi ro khác nhau, gồm: đại dịch Covid-19, hệ quả của biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh di cư xâm nhập vào nước ta gây thiệt hại lớn cho ngành. Nhưng, với sự chủ động và nỗ lực từ địa phương đến T.Ư, ngành nông nghiệp vẫn đạt được những thành quả ấn tượng, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu, mở ra nhiều kỳ vọng phát triển mới cho năm 2021.



Tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 41,2 tỷ USD

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) nhấn mạnh, mặc dù năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy nhưng nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế toàn cầu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống và đạt được những thành quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là xuất khẩu. Theo đó, năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019. Tiếp tục duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12 tỷ USD; tôm ước đạt 3,66 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,35 tỷ USD; hạt điều đạt 3,24 tỷ USD; gạo đạt 3,07 tỷ USD). Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019.

Ông Hoàng Văn Tú - đại diện Tổ Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong khi các nước giảm, thậm chí có nước giảm 30%. Kết quả này là do Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19, ổn định được sản xuất và biết tận dụng, chiếm lĩnh tốt khoảng trống về thị trường mà các nước khác để lại. “Việt Nam đã biết tận dụng và hoàn toàn có thể chiếm lĩnh, mở rộng xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ra thị trường thế giới. Theo đánh giá của FAO, trong khi thế giới bị khủng hoảng, chuỗi cung ứng bị vỡ vụn thì Việt Nam vẫn duy trì xuất khẩu các mặt hàng nông sản thiết yếu” - ông Tú cho biết.

Nhận định thêm về những thành công trong việc xuất khẩu nông - lâm - thủy sản, Chủ tịch Hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho hay, Chính phủ, các Bộ, ngành đã có chỉ đạo kịp thời về cơ cấu mùa vụ, đặc biệt là đẩy mạnh chế biến sâu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã làm tốt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về mặt thị trường. Ví dụ điển hình là trong năm 2020, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của ngành chăn nuôi giảm hơn 48% nhưng mật ong xuất khẩu với con số ấn tượng (gần 58,2 triệu USD). Một yếu tố quan trọng nữa là năm 2020, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), nhờ đó, lần đầu tiên chúng ta đã có những lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Tận dụng các hiệp định thương mạitự do

Bộ NN&PTNT xác định chỉ tiêu năm 2021: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 2,7 - 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản là 2,8 - 3,1%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trên 42 tỷ USD. Tuy nhiên, nhận định về thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, ba cuộc khủng hoảng sẽ luôn đến với ngành nông nghiệp đó là thiên tai, dịch bệnh và thị trường. Để giải quyết các khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu đề ra, Việt Nam cần có chiến lược. Đó là sản xuất nông nghiệp phải theo hướng bền vững; đa dạng hoá về sản phẩm và thị trường. Với việc sản xuất bền vững, có giá trị và trách nhiệm sẽ nâng cao sức cạnh tranh và thương hiệu nông sản của Việt Nam trên thế giới.
Theo ông Hoàng Văn Tú, Việt Nam gia nhập, ký kết các hiệp định thương mại tự do đã mang lại rất nhiều cơ hội cho nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cơ hội, thì cũng có những vướng mắc, rào cản về kỹ thuật, môi trường và xã hội. “Tôi cho rằng trong cơ hội bao giờ cũng có những thách thức. Để giải quyết được những rào cản, ngành nông nghiệp cần có các phương tiện, công cụ về tài chính để thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm trong nông nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chuyển đổi số là một thách thức lớn nhưng khi được giải quyết thì sẽ mở ra rất nhiều cơ hội” - ông Tú nhận định.

Nhấn mạnh về những giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ tận dụng các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực; đàm phán mở cửa thị trường chính ngạch cho các sản phẩm hoa quả tươi, rau, thủy sản sang các thị trường có yêu cầu chất lượng cao. Đồng thời, duy trì và phát triển bền vững thị trường Trung Quốc; mở rộng thị trường nông sản sang những nền kinh tế có cơ cấu bổ sung với Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Trung Đông...; lựa chọn đưa các sản phẩm phù hợp vào các thị trường tiềm năng như: Nga, Trung Đông, châu Phi, ASEAN...

Cùng với đó, Bộ NN&PTNT xác định tập trung 2 nhóm chương trình lớn. Một là, tiếp tục tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, tập trung, khép kín chuỗi giá trị, trên cơ sở đồng bộ 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực quốc gia, nông sản thế mạnh của các tỉnh và các sản phẩm đặc sản quy mô địa phương). Hai là, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công tác quản trị trên nền tảng số, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản bứt phá thành công