Xây dựng nông thôn mới cần đi vào chiều sâu và có tính bền vững

(BKTO) - Sau 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, diện mạo nông thôn ở hầu hết các vùng quê đều khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước; chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn một số địa phương còn hạn chế.




Kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước. Ảnh tư liệu

Gần 5.200 xã đạt chuẩnnông thôn mới

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM T.Ư, tổng nguồn lực huy động để thực hiện Chương trình NTM trong 5 năm (2016-2020) là hơn 2.115.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Nhờ có nhiều cách làm sáng tạo, mô hình hiệu quả, sát thực tiễn và đảm bảo chất lượng mà đến nay, 37 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hoàn thành và vượt kế hoạch 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao. Cả nước hiện có 5.177 xã đạt chuẩn NTM, bình quân cả nước đạt 16,2 tiêu chí/xã; có 126/664 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, 9 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM…

Bên cạnh đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn (từ tháng 5/2018) song đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng DN, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn cũng đã được nâng cao. Đến nay, cả nước có 61/63 tỉnh đã phê duyệt, triển khai Đề án/ Kế hoạch Chương trình OCOP; có 32 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng và đã có 1.711 sản phẩm OCOP được công nhận, 986 chủ thể tham gia Chương trình OCOP.

Tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật song chất lượng NTM ở một số địa phương chưa cao. Cục trưởng, Chánh Văn phòng Văn phòng Điều phối NTM T.Ư Nguyễn Minh Tiến thừa nhận, kết quả xây dựng NTM của một số vùng còn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước dẫn tới khoảng cách chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn một số địa phương còn hạn chế. Cả nước vẫn còn 45 huyện thuộc 22 tỉnh, thành phố vẫn còn “trắng” xã NTM; 9 tỉnh có số xã đạt chuẩn rất thấp, dưới 30%.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngay từ đầu, Quảng Trị xác định mục tiêu các địa phương không chỉ hoàn thành 19 tiêu chí quốc gia về xã NTM mà cốt lõi xây dựng NTM là đời sống của người dân được nâng lên, môi trường sống tốt hơn, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nhờ xây dựng NTM, tốc độ phát triển nông nghiệp của tỉnh liên tục tăng cao, nhiều sản phẩm đã hướng đến thị trường trong nước và nước ngoài để nâng cao giá trị sản xuất. “Cần phải kiên trì trong tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo để đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, tranh thủ các nguồn lực đầu tư, phát huy hiệu quả việc lồng ghép các nguồn lực từ nông nghiệp, nông thôn vào xây dựng NTM” - ông Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho Quảng Trị là sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay, các xã chưa đạt chuẩn NTM đều là những địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần chọn 2 trục phát triển để tập trung ưu tiên nguồn lực, tạo động lực phát triển cho các địa phương đúng hướng. Thứ nhất, các xã đã đạt chuẩn NTM cần dành nguồn lực nâng cao tiêu chí, tiến tới đạt NTM kiểu mẫu và trở thành đầu tàu hỗ trợ những địa phương khó khăn. Thứ hai, cần ưu tiên nguồn lực cho vùng khó khăn có các xã chưa đạt chuẩn NTM. Làm sao tính toán chuyển đổi sinh kế, chuyển dịch trong lao động nông thôn từ lao động nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp để giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập.

Trong khi đó, đại diện Văn phòng NTM tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 24/85 xã đạt chuẩn xã NTM (khoảng 30% số xã), chưa có đơn vị cấp huyện đạt chuẩn huyện NTM. Mặc dù đã rất nỗ lực, vượt khó nhưng việc thực hiện hiện Chương trình xây dựng NTM của địa phương còn vô vàn khó khăn, bất cập. Với điều kiện đặc thù vùng Tây nguyên, đa số các xã thuộc xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, việc đầu tư xây dựng hạ tầng gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, một số phong tục tập quán lạc hậu của khu vực người đồng bào dân tộc thiểu số rất khó thay đổi cũng gây ra những rào cản nhất định trong tiến trình xây dựng NTM.

Để Chương trình xây dựng NTM thực sự đi vào chiều sâu và có tính bền vững trong giai đoạn tới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho rằng, vấn đề xuyên suốt và quan trọng hiện nay là tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để chung tay xây dựng NTM. Ngoài ra, phải tìm cách huy động mọi nguồn lực để triển khai Chương trình, trong đó, việc phát huy nội lực trong chính người dân, địa phương là yếu tố then chốt dẫn tới thành công. Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát lại 45 huyện còn xã “trắng” tiêu chí NTM để từ đó tìm ra nguyên nhân, các vấn đề bất cập, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh tập trung hỗ trợ, xóa xã “trắng” tiêu chí NTM. Phấn đấu đến cuối năm 2020, cả nước có 60% tổng số xã đạt chuẩn NTM, tăng gần 2% so với hiện nay.

LÊ HÒA
Cùng chuyên mục
Xây dựng nông thôn mới cần đi vào chiều sâu và có tính bền vững