Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hội nhập, phát triển

(BKTO) - Đó là khẳng định của ông Trần Thanh Mẫn- Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tại Hội nghị góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024, chiều ngày 15/5.



Phương thức hoạt động của Mặt trận phải đi vào lòng dân

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng Tư vấn của MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra những ý kiến tâm huyết góp ý vào tiêu đề báo cáo chính trị, chủ đề Đại hội, bố cục báo cáo chính trị và chương trình hành động của Mặt trận trong nhiệm kỳ 2019-2024.
                
   

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ chủ trì Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh

   
Tham gia 6 nhiệm kỳ Đại hội, GS,TS. Nguyễn Ngọc Minh - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Khoa học - Giáo dục và Môi trườnglưu ý, mục tiêu của Đại hội phải tạo được cái mới, cần được thể hiện với các xu thế, tình hình mới trong và ngoài nước có nhiều biến động phức tạp khó lường. Ngay trong tình hình nội tại của đất nước cần nhấn mạnh về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.

Quan trọng nhất, có lẽ làm sao để tạo được sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để thực hiện tốt vai trò Mặt trận là "liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện", ông Nguyễn Ngọc Minh cho rằng cần có tiếng nói và cách tiếp cận đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các đơn vị, tổ chức đặc thù, các cá nhân tiêu biểu đóng góp giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan trực tiếp đến đời sống người dân nảy sinh trong quá trình phát triển.

Bên cạnh đó, Mặt trận phải thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng với nhân dân và tham gia thực hiện tốt những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, tạo sự đồng thuận giữa Đảng và nhân dân, tạo nên động lực tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Minh, Mặt trận cần tiếp tục nghiên cứu các dự báo thay đổi của cơ cấu xã hội, các giai tầng phù hợp với xu thế và nhu cầu phát triển, hội nhập, từ đó sẽ có những ứng phó và đề xuất hợp lý với Đảng và Nhà nước.

Để đáp ứng được điều này, Mặt trận cần đưa ra những giải pháp trong sắp xếp nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả và quan tâm tới nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp.

Theo GS,TS. Trần Đình Thiên- Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế, việc nhân dân mong đợi hiện nay chính là việc đánh giá về lòng tin và cách giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc xã hội, chính vì vậy, Mặt trận phải đưa ra tiếng nói đối với những vụ việc tham nhũng nổi cộm đang diễn ra, phải đánh giá được phản ứng của xã hội đối với các vấn đề liên quan tới giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội…
                
   

GS,TS. Trần Đình Thiên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh

   
“Báo cáo chính trị phải thẳng thắn nhận diện, nói được tiếng nói của nhân dân đốivới những vấn đề đang nổi lên trong xã hội hiện nay, từ đó xác định được các chương trình hành động của Mặt trận”, GS,TS. Trần Đình Thiên đề xuất.

Một trong những vấn đề mà GS,TS. Trần Đình Thiên lưu ý đó là cuộc cách mạng 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, do đó Mặt trận phải nhận diện đầy đủ để đề ra phương thức hoạt động mới thích ứng với tình hình hiện nay.

Quyết liệt hơn trong giám sát, phản biện xã hội

Kỳ vọng vào một kỳ Đại hội đổi mới, GS,TS. Trần Ngọc Đường- Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật đề nghị, báo cáo chính trị cần nhấn mạnh tới sự thay đổi của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Phải làm rõ được sự thay đổi của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa sâu sắc hơn, toàn diện hơn, việc xây dựng nhà nước pháp quyền đã phát triển theo hướng mới, trình độ dân trí và dân chủ đại diện đã phát huy rõ hơn so với trước đây.
                
   

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh

   
Đối với việc triển khai chương trình hành động nhiệm kỳ 2014-2019, ông Trần Ngọc Đường cho rằng, phải nêu rõ được những chuyển biến về nhận thức và hành động của nhân dân trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Bên cạnh đó cần đề cập đến vai trò của các Hội đồng tư vấn, sự tham gia của các nhân sĩ, trí thức đối với công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận.

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định đây là những ý kiến thể hiện sự trăn trở, trách nhiệm đối với công tác Mặt trận và đối với sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Soạn thảo cần tiếp thu một cách đầy đủ, toàn diện để xây dựng báo cáo chính trị với những nét đổi mới, bứt phá trong nhiệm kỳ mới gắn với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước.

“Báo cáo chính trị phải ngắn gọn dễ hiểu, dễ nhớ, tránh tình trạng chung chung và phải đưa ra được những vấn đề mới, tinh thần mới, tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết toàn dân" - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
                
   

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Kỳ Anh

   
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu Ban soạn thảo cần thẳng thắn nhận diện các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, từ đó đề nhiệm vụ và cách thức giải quyết của Mặt trận đối với những vấn đề lớn của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt, cần thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong việc nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tình hình các giai cấp, tạo ra những diễn đàn để nhân dân trao đổi từ đó khẳng định rõ vai trò là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Mặt trận các cấp trong nhiệm kỳ mới phải quyết liệt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Các chương trìnhgiám sát phải gắn liền với yêu cầu thực tế tại địa phương và phải đeo bám đến cùng từng vụ việc. Cần nắm chắc các vấn đề phát sinh từ cơ sở để tư vấn trực tiếp cho Đảng, Nhà nước...

Để làm được điều này, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng đội ngũ cán bộ phải đảm bảo về năng lực, trình độ, có bản lĩnh trong triển khai nhiệm vụ, để Mặt trận thực sự là chỗ dựa vững chắc của nhân dân.

HƯƠNG DIỆP
Cùng chuyên mục
Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hội nhập, phát triển