Xây dựng cơ chế toàn diện cho phát triển y tế cơ sở

(BKTO) - Ngày 6/7, Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở.



Hội nghị được kết nối với 63 địa phương trong cả nước nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thống nhất các giải pháp về cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT tuyến y tế cơ sở.

Dự và chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Bộ sẽ xây dựng cơ chế toàn diện, phát triển cả về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho hệ thống y tế cơ sở với nhiều giải pháp trọng tâm sẽ được chú trọng.

Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: Đăng Khoa

Theo Bộ trưởng, y tế cơ sở là tuyến y tế ban đầu trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiệm vụ của y tế cơ sở bao gồm các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe, dự phòng và khám chữa bệnh. “Đây là tuyến y tế gần dân, sát dân nhất, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện, đỡ tốn kém, đặc biệt là khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất’ – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng thể hiện rõ vai trò quan trọng và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Hiện nay, nhiều trạm y tế xã bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc quản lý, điều trị một số bệnh mạn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch), một số loại bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS) và phục hồi chức năng…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện nay người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì chất lượng còn chưa cao, thiếu cán bộ y tế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng, các dịch vụ chuyên môn trong trong khám chữa bệnh còn hạn chế, nguồn kinh phí từ Quỹ BHYT cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo; chi trả BHYT còn thấp, danh mục thuốc nghèo nàn, danh mục kỹ thuật ít... Bên cạnh đó, Quỹ Khám chữa bệnh BHYT giao cho trạm y tế thấp (không quá 20%). Đây là nguyên nhân dẫn đến người dân không lựa chọn trạm y tế xã làm nơi khám chữa bệnh ban đầu, người dân khám bệnh vượt tuyến, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

Khẳng định phát triển y tế là con đường đúng đắn để chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó, BHYT là một nguồn lực quan trọng, là cơ chế tài chính bền vững trong việc đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác khám chữa bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để tăng cường khám chữa bệnh BHYT tại tuyến y tế cơ sở, nhất là khắc phục những bất cập hiện nay, Bộ Y tế sẽ xây dựng cơ chế toàn diện, phát triển cả về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng cho hệ thống y tế này. Trong đó, 6 giải pháp được chú trọng.

Đó là, đổi mới cơ chế chi trả khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế tuyến xã; Ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chất lượng khám chữa bệnh của nhân dân; Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mãn tính tại trạm y tế xã, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị; đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn, đáp ứng được đầy đủ chức năng, các nhiệm vụ của trạm y tế xã.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục chú trọng hoàn thiện bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý triển khai y tế cơ sở (xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khoẻ cá nhân và phần mềm quản lý trạm y tế xã, đảm bảo quản lý thông tin của các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe để nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã và giảm tải khối lượng công việc hành chính cho cán bộ y tế).
         
Hiện cả nước có hơn 12.000 trạm y tế xã. Trong đó, có 9.821 trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT, với số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu là 21,5 triệu. Số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng dần qua các năm, từ 130 triệu lượt năm 2015 lên 147 triệu lượt năm 2016 và 150 triệu lượt năm 2017. Chi phí do Quỹ BHYT chi trả năm 2015 là hơn 47.000 tỷ đồng, năm 2016 là 68.000 tỷ đồng và năm 2017 là 88.000 tỷ đồng.
Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Xây dựng cơ chế toàn diện cho phát triển y tế cơ sở