Vốn tư nhân và nhu cầu công nghệ dẫn dắt thị trường M&A nửa đầu năm 2022

(BKTO) - Sau khi đạt mức kỷ lục năm 2021, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) có xu hướng chậm lại trong nửa đầu năm 2022 với khoảng 25.000 thương vụ. Vốn chủ sở hữu tư nhân (PE) hiện chiếm gần 50% tổng giá trị và hơn 1/3 giá trị thương vụ được đầu tư vào công nghệ, truyền thông và viễn thông.



                
   

Khối lượng và giá trị giao dịch M&A ở châu Á - Thái Bình Dương
   giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: PwC

   

M&A trở lại mức trước đại dịch

Theo Báo cáo “Xu hướng ngành M&A toàn cầu: Cập nhật giữa năm 2022” của PwC, mặc dù hoạt động M&A đã chậm lại trong nửa đầu năm 2022 nhưng nó chỉ đơn thuần trở lại mức trước đại dịch. Quá trình thiết lập lại M&A đang được thực hiện trên tất cả các khu vực chính, trong đó, châu Á - Thái Bình Dương có sự sụt giảm lớn nhất, với khối lượng và giá trị giao dịch đều thấp hơn 30% so với năm 2021.

Giá trị M&A cũng đã giảm mạnh so với năm 2021 và tương đương mức trước đại dịch với tổng giá trị thương vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 khoảng 2.000 tỷ USD, gần gấp đôi so với mức ghi nhận trong nửa đầu năm 2020. Tổng số các giao dịch có giá trị vượt quá 5 tỷ USD (megadeals) trên toàn cầu đã giảm 1/3 nhưng nửa đầu năm 2022 lại có tới 4 giao dịch lớn có giá trị hơn 50 tỷ USD, so với 1 một giao dịch trong cả năm 2021.

Nhiều yếu tố tạo nền tảng cho thị trường M&A phá vỡ kỷ lục vào cuối năm như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, tối ưu hóa danh mục đầu tư, môi trường, xã hội và quản trị (ESG) và nhu cầu công nghệ vẫn có ảnh hưởng đối với việc thực hiện các giao dịch trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, cách tiếp cận để thực hiện các giao dịch này sẽ có nhiều thay đổi trong bối cảnh nền kinh tế không chắc chắn.

Bên cạnh đó, khi lạm phát ở nhiều quốc gia đạt mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, các nhà lãnh đạo DN sẽ tiếp cận và thẩm định các thương vụ với một lăng kính khác, đặc biệt là xem xét kỹ hơn các tác động đối với thị phần, độ co giãn của giá cả, mối quan hệ với khách hàng và nhà cung cấp, lương thưởng và duy trì nhân viên...

Một điểm nổi bật trong Báo cáo của PwC là PE hiện chiếm gần 50% tổng giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022, gấp đôi so với chỉ 5 năm trước khi vốn huy động để đầu tư đạt mức kỷ lục 2.300 tỷ USD. Sự phát triển của mô hình PE đã cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện thành công các thương vụ M&A.

Tuy nhiên, PE cũng không tránh khỏi sự biến động của thị trường. Mặc dù đầu tư PE đã tăng lên nhưng lạm phát và lãi suất gia tăng đã khiến việc tạo ra lợi nhuận trở nên khó khăn hơn. Các chuyên gia của PwC kỳ vọng rằng, DN sẽ tận dụng công nghệ đám mây và thông tin chi tiết để tăng tốc và cung cấp thông tin tốt hơn cho các giao dịch, đồng thời mở rộng hồ sơ đầu tư trong các lĩnh vực mới.

Công nghệ, truyền thông và viễn thông dẫn đầu xu hướng M&A

Báo cáo của PwC nhấn mạnh rằng, các yếu tố và xu hướng kinh tế vĩ mô hiện tại đang ảnh hưởng đến việc thực hiện giao dịch giữa các ngành theo những cách khác nhau.

Theo đó, việc áp dụng kỹ thuật số các công nghệ mới vẫn là ưu tiên hàng đầu khiến công nghệ, truyền thông và viễn thông dẫn đầu về đầu tư M&A, với hơn 1/4 khối lượng thương vụ và 1/3 giá trị thương vụ trong nửa đầu năm 2022. Dự kiến, nhu cầu công nghệ sẽ tạo ra cơ hội M&A trong phần mềm và các công nghệ hỗ trợ cơ sở hạ tầng (chẳng hạn như 5G, trung tâm dữ liệu và metaverse và các công nghệ liên quan) vào nửa cuối năm 2022.

Đối với dịch vụ tài chính - lĩnh vực chiếm gần 1/4 giá trị thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2022, nhu cầu về khả năng kỹ thuật số và áp lực gia tăng từ các cơ quan quản lý đã khiến M&A tiếp tục là động lực để chuyển đổi. Việc tập trung vào công nghệ và nhu cầu ngày càng tăng đối với đầu tư bền vững sẽ thúc đẩy M&A ở lĩnh vực này tăng cao trong nửa cuối năm.

Cũng theo PwC, hoạt động M&A trong ngành thị trường tiêu dùng nửa cuối năm 2022 sẽ gắn chặt với việc nền kinh tế tác động như thế nào đến niềm tin và chi tiêu của người tiêu dùng. Những thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng sẽ tạo cơ hội cho M&A khi các công ty tìm cách chuyển đổi mô hình kinh doanh và định vị lại chính mình để tăng trưởng trong tương lai.

Với lĩnh vực năng lượng, tiện ích và tài nguyên, sự tăng tốc quá trình chuyển đổi năng lượng và ngày càng tập trung vào an ninh chuỗi cung ứng sẽ thúc đẩy M&A trong các lĩnh vực này vào nửa cuối năm 2022. Còn với y tế, nhu cầu cao về công nghệ sinh học và các công nghệ mới sáng tạo (mRNA, liệu pháp gen và các khả năng từ xa) đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Việt Nam tiếp tục thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài

Sự phục hồi kinh tế của Việt Nam vẫn mạnh mẽ với tăng trưởng GDP cho năm 2022 được dự báo là 6,5%, cao hơn nhiều so với dự báo tăng trưởng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (4,4%). Ngoài ra, với các quy định và chính sách hỗ trợ nhà đầu tư, nửa cuối năm 2022 là cơ hội để các nhà kinh doanh đánh giá lại chiến lược và mạnh dạn hành động.

Ông Tiong Hooi Ong - Phó Tổng Giám đốc, Lãnh đạo Dịch vụ tư vấn giao dịch, PwC Việt Nam - đánh giá: Bất chấp những khó khăn kinh tế vĩ mô, năm 2022 sẽ là một năm mạnh mẽ nữa đối với các giao dịch M&A tại Việt Nam. Hoạt động M&A tiếp tục thu hút nhiều sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.

Ở thời điểm này, biến động ngắn hạn trên thị trường tài chính, áp lực lạm phát, lãi suất tăng nhanh, gián đoạn chuỗi cung ứng và căng thẳng địa chính trị đều có xu hướng phát triển thành dài hạn. Đây là thời điểm để các nhà lãnh đạo và các nhà giao dịch thực hiện các bước đi táo bạo, tạo tiền đề cho 5 năm tới giành được các mục tiêu quan trọng nhất đối với DN và danh mục đầu tư của họ.

“M&A có thể là cách để theo đuổi các cơ hội mang lại giá trị trong một nền kinh tế đầy thách thức ” - ông Tiong Hooi Ong nhấn mạnh./.
THÙY LÊ



Cùng chuyên mục
Vốn tư nhân và nhu cầu công nghệ dẫn dắt thị trường M&A nửa đầu năm 2022