Việt Nam cần đột phá về thể chế, chính sách

(BKTO) - Năm 2019, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi nhưng kinh tế Việt Nam không chỉ giữ vững đà của năm 2018 mà còn đạt được các chỉ số tăng trưởng ngoạn mục: GDP tăng 7,02%, lạm phát chỉ ở mức 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỷ giá duy trì ổn định linh hoạt, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ đạt kỷ lục gần 80 tỷ USD, nợ công tiếp tục giảm... Trong lịch sử, đã có những năm GDP tăng trưởng cao nhưng chưa khi nào đạt được đồng bộ và ổn định kinh tế vĩ mô như năm 2019.



Điều đáng ghi nhận nữa là nền kinh tế của nước ta đã thể hiện tính tự chủ, có khả năng thích ứng với kinh tế thế giới, nhiều lĩnh vực không phụ thuộc vào DN FDI. Khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân có tốc độ tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu vượt qua khu vực FDI. Nhiều sản phẩm Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường quốc tế, không ít tập đoàn tư nhân đã xác nhận được tên tuổi, vị thế bằng các công trình, sản phẩm vượt trội trong nước và quốc tế.

Những thành quả đạt được là sự thành công từ niềm tin và sự mong chờ, đón nhận, dõi theo mỗi hành động của Đảng, Chính phủ, Quốc hội; khẳng định sự tin tưởng và đón nhận của thị trường quốc tế đối với sản phẩm mang thương hiệu Việt; đồng thời tạo sự tin cậy, an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn còn đứng trước thách thức của bẫy thu nhập trung bình và sản xuất giá trị thấp. Các hoạt động sản xuất chủ yếu tập trung ở “đáy đường cong nụ cười” nên giá trị gia tăng mang lại cho nền kinh tế trong nước chưa cao.

Nhiệm vụ then chốt của năm 2020 không chỉ đơn thuần là thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm mà còn là tiền đề của Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm, Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và định hướng cho 20 năm sau đó. Để thực hiện ước mơ đất nước phồn vinh, đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 - sau 100 năm thành lập nước, việc chỉ giữ tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua là chưa đủ mà cần tạo được bứt phá để đạt đến tốc độ tăng trưởng tiệm cận hai con số trong thời gian tới.

Muốn phát triển đột phá, Việt Nam phải thay đổi chỗ đứng trong chuỗi cung ứng sang vùng sản xuất giá trị cao, phải dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong thời đại của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những xu thế, hình thái và hoạt động kinh tế mới không diễn ra theo các trật tự truyền thống mà đòi hỏi phải có sự thích ứng, chấp nhận, kiểm soát bằng các phương thức phi truyền thống. Vì vậy, để mở đường tiếp nhận, ứng dụng những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật, những ý tưởng đổi mới sáng tạo cho phát triển, yêu cầu đầu tiên chính là đổi mới, sáng tạo trong tư duy và phương thức quản lý. Muốn vậy, những cơ chế quản lý truyền thống không nên được coi như những điều bất di bất dịch, tuyệt đối tuân thủ. Tiêu chuẩn đánh giá thành công và kết quả của quản lý phải lấy kết quả và hiệu quả các hoạt động là đối tượng quản lý làm thước đo, chứ không dựa vào tiêu chí chấp hành, tuân thủ các quy chế, quy định. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới mang tính đột phá về thể chế quản lý chứ không chỉ dừng lại ở cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, cắt giảm các điều kiện kinh doanh hay tháo gỡ những vướng mắc trong chính sách. Sự thay đổi tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý từ thước đo tuân thủ, chấp hành sang thước đo hiệu quả chính là bước chuyển từ cơ chế Nhà nước quản lý cấp phép sang Nhà nước kiến tạo và phục vụ.

Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, hoàn thiện bộ máy nhà nước, thực hiện song song nhiệm vụ phát triển kinh tế và phát triển ổn định hệ thống chính trị. Công tác cán bộ phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm cho nhiệm kỳ mới để Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ năm 2020 và tạo tiền đề cao hơn những năm tiếp theo.

PGS,TS. HOÀNG VĂN CƯỜNG
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Cùng chuyên mục
Việt Nam cần đột phá về thể chế, chính sách