Vì sao cần sửa đổi quy định cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay?

(BKTO) - Thời gian qua, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây được coi là chính sách “đột phá” của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bởi vậy, ngay khi NHNN đưa ra lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung chính sách này, dư luận đã hết sức quan tâm và đặt câu hỏi: Vì sao phải sửa?




Cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 nhằm tạo thuận lợi cho TCTD, chi nhánh NHNN chủ động hỗ trợ khách hàng. Ảnh: TTXVN

Sửa đổi chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn

Theo thống kê của NHNN, thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất nhằm hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịchCovid-19 (Thông tư 01), tính đến cuối tháng 5, toàn ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223.000 khách hàng với dư nợ 151.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320.000 khách hàng với dư nợ 1,14 triệu tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho hơn 150.000 khách hàng với dư nợ trên 3.800 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng đánh giá, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ là một quyết định “đột phá” của NHNN để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc làm này kết hợp cho vay mới cũng như giảm lãi suất dư nợ hiện hữu và dư nợ cho vay mới đã thể hiện sự chia sẻ, đồng hành với nền kinh tế của ngành ngân hàng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chính sách trên vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Bởi vậy, trong chuỗi Hội nghị kết nối ngân hàng - DN nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 diễn ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước gần đây, đại diện các DN đã kiến nghị: Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cần dựa vào đặc thù của từng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng nên cho phép kéo dài thời hạn trả nợ để các DN có điều kiện tái sản xuất, phục hồi nền kinh tế.

Từ thực tiễn triển khai các biện pháp hỗ trợ DN, đại diện nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (NHNg) đề nghị NHNN cần xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng cho phép TCTD, chi nhánh NHNg được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đối với nợ được giải ngân sau ngày 23/01/2020.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc sửa đổi Thông tư 01 là cần thiết, bởi Thông tư này chưa quy định cụ thể tiêu chí của đối tượng được hỗ trợ như: số lượng người lao động bị nghỉ việc, doanh thu giảm sút, DN thuộc lĩnh vực, ngành nghề bị thiệt hại... Điều này gây khó khăn cho các TCTD trong việc xác định đối tượng chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19 để đưa ra biện pháp hỗ trợ phù hợp. Do đó, việc hướng dẫn chi tiết hơn về ngành nghề, lĩnh vực bị thiệt hại và tiêu chí, phân nhóm đối tượng sẽ giúp ngân hàng thống nhất giải pháp hỗ trợ.

Tổng hợp, nghiên cứu các kiến nghị trên, NHNN thấy rằng cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 nhằm đảm bảo tiếp tục hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, đồng thời tạo thuận lợi cho TCTD, chi nhánh NHNg chủ động hỗ trợ khách hàng trong điều kiện Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh.

Quy định cụ thể thời hạn cơ cấu nợ, bổ sung nguyên tắc phân loại nợ

Một trong những điểm sửa đổi Thông tư 01 đáng lưu ý là quy định cụ thể khoảng thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi của khoản cho vay, cho thuê tài chính được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Theo đó, các TCTD, chi nhánh NHNg được phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản cho vay, cho thuê tài chính phát sinh nghĩa vụ trả nợ từ ngày 23/01 đến 31/12/2020, thay vì từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 như quy định hiện hành.

Mốc thời gian 31/12/2020 được NHNN xác định trên cơ sở đánh giá thận trọng về tình hình kiểm soát Covid-19 cũng như tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế đất nước và kịch bản 2 về tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam (trong điều kiện nước ta đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam cũng khống chế được dịch trong quý IV/2020).

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo còn đề xuất sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng cho phép TCTD, chi nhánh NHNg được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23/01 đến 24/4/2020. Đây là thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 19/CT-TTg về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đồng thời, đến thời điểm này, các TCTD, chi nhánh NHNg đã nắm bắt được đầy đủ tình hình dịch bệnh trong nước, quốc tế và cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó. Theo đó, đối với các khoản giải ngân sau ngày 24/4/2020, trên cơ sở đánh giá đầy đủ mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, TCTD, chi nhánh NHNg cần căn cứ vào đặc điểm của khách hàng để thống nhất với khách hàng lịch trả nợ phù hợp mà không cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01.

Ngoài ra, NHNN dự kiến cho phép TCTD, chi nhánh NHNg không tính số lần cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Thông tư 01 khi thực hiện phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Thông tư 01 nhưng khách hàng không trả được nợ theo thời hạn cơ cấu lại. Việc bổ sung nguyên tắc phân loại nợ này là nhằm giảm áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng cho các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Vì sao cần sửa đổi quy định cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi vay?