Ứng phó thách thức phát triển năng lượng bền vững

(BKTO) - Tiếp tục lộ trình chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam, đại diện của Đan Mạch và Việt Nam vừa ký kết Chương trình hợp tác năng lượng mới giai đoạn 2017-2020 với tổng số vốn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trị giá 21,6 triệu Krone Đan Mạch. Chương trình sẽ tập trung vào việc quy hoạch ngành năng lượng, đưa nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp.



Tiêu thụ điện năng ngày càng tăng mạnh

Chương trình ký kết diễn ra ngay sau khi Báo cáo “Triển vọng năng lượng Việt Nam 2017” vừa được công bố tại Hà Nội. Báo cáo là kết quả hợp tác nổi bật giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Năng lượng - Hạ tầng kỹ thuật và Môi trường Đan Mạch trong khuôn khổ Dự án Chuyển hóa carbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Trong tài liệu này, các chuyên gia Đan Mạch đã phân tích rõ, Việt Nam hiện đang là nền kinh tế có cường độ tiêu thụ năng lượng cao trong khu vực và trên thế giới. Theo Dự thảo báo cáo Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035, dự báo nhu cầu năng lượng trong kịch bản cơ sở cho thấy, đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng, tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015. Vào năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỷ trọng 27,5%) được dự báo sẽ gia tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5%/năm trong giai đoạn 2016-2035.

Trong giai đoạn 2011-2015, sản lượng điện tiêu thụ của toàn quốc đã tăng trưởng với tốc độ bình quân là 10,6%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2006-2010 là 13,4%/năm. Tuy nhiên, điện năng đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng và nhu cầu điện dự kiến sẽ tăng bình quân gần 8% mỗi năm cho đến năm 2035, tương ứng với nhu cầu công suất sản xuất điện tăng thêm 93.000 MW. Khoảng gần một nửa công suất nguồn điện mới này sẽ được cung cấp từ nhiệt điện than và khoảng 25% là từ năng lượng tái tạo.

Nhìn lại thời điểm năm 2000, các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm sinh khối và thủy điện chiếm tới 53% tổng cung năng lượng sơ cấp. Tuy nhiên đến 2015, con số này đã giảm xuống còn 24%. Trong cùng giai đoạn đó, tỷ trọng của than trong tổng nguồn cung đã tăng từ 15% lên 35%. Xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp diễn trong tương lai do nguồn cung năng lượng từ thủy điện và sinh khối trong nước không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng.

Bên cạnh đó, Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung năng lượng. Dự kiến tỷ trọng của năng lượng nhập khẩu trên tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp sẽ tăng lên 37,5% vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035. Điều này sẽ gây ra các tác động lớn tới an ninh nguồn cung năng lượng và Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt là than.

Cần cải tiến công nghệ,phát triển nguồn cung mới

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2017 được xây dựng trên cơ sở cập nhật các thông tin dự báo tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhu cầu năng lượng sơ cấp và nhu cầu điện. Chương trình quy hoạch năng lượng tối ưu được sử dụng trong Báo cáo là mô hình Balmorel của Đan Mạch giúp thiết lập các kịch bản phát triển hệ thống điện Việt Nam, chú trọng đến các khả năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đây cũng là mô hình quy hoạch năng lượng đã được sử dụng hiệu quả tại Đan Mạch và một số quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Qua nghiên cứu, Báo cáo kết luận: Việt Nam có thể đạt được cam kết giảm phát thải khí nhà kính đến 25% theo Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) thông qua tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả và khai thác các nguồn năng lượng tái tạo cùng với sự hỗ trợ về nguồn lực của các tổ chức quốc tế. Đồng thời, các nhà nghiên cứu đã đưa ra những khuyến nghị chính sách về phát triển hệ thống điện cũng như ngành năng lượng phát thải carbon thấp trên cơ sở đẩy mạnh khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Việt Nam cần giảm cường độ tiêu thụ năng lượng bằng cách cải tiến công nghệ, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo trong nước và tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng bằng các giải pháp quản lý tài nguyên. Hiện năng lượng sinh khối là nguồn năng lượng có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác. Ngoài khả năng sản xuất đến gần 4.000 MW điện, năng lượng sinh khối còn có thể thay thế than và dầu trong ngành công nghiệp với tỷ trọng lớn” - Báo cáo nêu rõ.

Báo cáo được kỳ vọng sẽ trở thành một cơ sở hữu ích để Việt Nam xây dựng kế hoạch năng lượng tổng thể và quy hoạch phát triển điện bền vững trong tương lai. Khẳng định điều này, tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: “Báo cáo Triển vọng năng lượng là sản phẩm có ý nghĩa quan trọng trong định hướng phát triển năng lượng gắn liền với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và an ninh năng lượng của Việt Nam”.

Ông Thomas Egebo - Quốc vụ khanh Bộ Năng lượng - Hạ tầng kỹ thuật và Môi trường Đan Mạch - cho rằng: “Theo tôi, thách thức chính của Việt Nam không phải là tăng trưởng, mà là tăng trưởng bền vững. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm chuyên môn kỹ thuật, sản phẩm và công nghệ mà có thể sử dụng để đạt các mục tiêu về năng lượng và tăng trưởng bền vững”.
H.THOAN
Theo Tuần Báo ra ngày 05-10-2017
Cùng chuyên mục
  • Quỹ Bảo trì đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu
    6 năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Kể từ khi ra đời vào năm 2013 đến nay, Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB) Trung ương đã tăng đều hằng năm nhờ lượng phương tiện tăng mạnh. Tuy nhiên, sau gần 5 năm hoạt động, nguồn Quỹ này mới chỉ đáp ứng được trung bình gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ.
  • Tăng cường kiểm toán để nâng cao hiệu quả chi tiêu công
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Để nâng cao hiệu quả chi tiêu công, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó có việc tăng cường công tác kiểm toán của KTNN đối với các cấp chính quyền cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách và kiểm toán độc lập đối với các dự án đầu tư công trọng điểm. Đó là một trong những khuyến nghị mà các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại Hội nghị công bố Báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng” do Bộ Tài chính và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 03/10.
  • Triển vọng tăng trưởng GDP đạt 6,7%
    6 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Những thông tin tích cực về triển vọng tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) 2017 vừa được lãnh đạo Tổng cục Thống kê phân tích và công bố tại cuộc họp báo quý III/2017. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 được nhận định là khả quan.
  • Dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) còn nhiều bất cập
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo dự kiến, Luật Thủy sản (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, hiện nay, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điểm bất cập cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn, nhằm tạo điều kiện cho DN trong việc tiếp cận chính sách, khơi thông môi trường đầu tư kinh doanh.
  • Tạo đột phá, vượt trội để phát triển kinh tế - xã hội
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần đầu tại phiên họp thứ 14 vừa qua. Điểm đặc biệt của Dự thảo Luật này là được quy định cơ chế đặc biệt, có thể vượt các luật khác nhằm kiến tạo mô hình phát triển mới tại các vùng với những thể chế, chính sách có tính đột phá, vượt trội so với trong nước và cạnh tranh với quốc tế, tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch để phát triển.
Ứng phó thách thức phát triển năng lượng bền vững