Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm

(BKTO) - Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn…



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

   

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 666/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần chủ động sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể và gia đình, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng và Nhà nước.

Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng Phong trào thi đua "Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau", khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng, phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo".

Tổ chức Phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả, thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Phòng trào cũng đặt mục tiêu phấn đấu 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; 50% số xã, thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Đồng thời, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo bền vững; xác định công tác giảm nghèo góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước, phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới.

Theo Kế hoạch, các Bộ, ban, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, triển khai kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua.

Tập trung vào các hoạt động nghiên cứu, phát huy sáng kiến trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo; tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, ban hành chính sách hỗ trợ có điều kiện, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, trợ giúp xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động; khuyến khích DN và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thi đua đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho địa bàn nghèo nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay, dự án hiệu quả về giảm nghèo bền vững; gắn Phong trào thi đua với phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".

Các địa phương tập trung thi đua đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, tăng cường kết nối vùng phát triển với vùng khó khăn; hỗ trợ, khuyến khích DN đầu tư ở những địa bàn khó khăn, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tổ chức thực hiện di dời dân cư, bảo đảm sinh kế bền vững và an toàn cho dân cư tại các vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, khu vực rừng đặc dụng; quan tâm giải quyết đất sản xuất, đất ở phù hợp, tạo việc làm, bảo đảm các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thông tin và dịch vụ xã hội khác cho người nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thôn, bản, cộng đồng thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và từng bước làm giàu; hỗ trợ người nghèo tham gia lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo.

Vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan trung ương giúp đỡ các huyện nghèo, xã hoặc thôn đặc biệt khó khăn; cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đảng viên giúp đỡ hộ nghèo, địa bàn khó khăn.

Khuyến khích các DN thi đua giúp đỡ các huyện nghèo, xã hoặc thôn đặc biệt khó khăn; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo.

Các hộ gia đình thi đua tham gia lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế, thoát nghèo bền vững và giúp đỡ các cá nhân, hộ gia đình khác cùng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no./.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Đảm bảo nghiêm túc, minh bạch và thực chất tại Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp (gọi chung là Kỳ thi) năm 2022 đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các địa phương tổ chức triển khai. Yêu cầu về một Kỳ thi đảm bảo nghiêm túc, minh bạch, thực chất tiếp tục được các nhà giáo, đại biểu Quốc hội đặt ra, trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới một cách toàn diện.
  • Việt Nam có nhiều tiềm năng đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 (EOR21) chuyển tải thông điệp Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải cacbon ròng bằng không vào năm 2050.
  • Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 301-350 các trường đại học châu Á
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Tạp chí Times Higher Education (THE) vừa công bố kết quả Xếp hạng các trường đại học châu Á năm 2022 (THE châu Á). Theo đó, Việt Nam có 5 cơ sở giáo dục đại học có mặt trong Bảng xếp hạng THE châu Á 2022 là: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân. Đáng chú ý, Đại học Quốc gia Hà Nội có vị trí xếp hạng trong nhóm 301-350 châu Á trong tổng số 616 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng.
  • Mở rộng mạng lưới, tăng vốn điều lệ cho 4 ngân hàng
    một năm trước Kinh tế
    (BKTO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chấp thuận mở rộng mạng lưới hoạt động, tăng vốn điều lệ đối với 4 nhà băng.
  • Công bố 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022
    một năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Công ty Cổ phần Vinhomes, Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Masan đã lọt vào Top 3 trong danh sách Top 50 Công ty đại chúng uy tín và hiệu quả (VIX50) năm 2022 vừa được Vietnam Report công bố vào ngày 03/6.
Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm